Hạ Long hoàn thiện các tiêu chí khó để về đích nông thôn mới

Sau sáp nhập TP Hạ Long có thêm 12 xã, tổng diện tích tự nhiên 844,6km2, chiếm 75,47% tổng diện tích tự nhiên của thành phố; dân số 11.037 hộ với 44.259 nhân khẩu, chiếm 14,74% tổng số hộ dân của cả thành phố. Để về đích nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2022, TP Hạ Long đã và đang dồn lực thực hiện các tiêu chí khó với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân.

TP Hạ Long triển khai xây dựng NTM trên cơ sở kết quả sau 10 năm của huyện Hoành Bồ trước đây đã thực hiện được. Tuy nhiên, thời điểm TP Hạ Long đi vào thực hiện cũng là thời điểm sắp kết thúc giai đoạn 1 của chương trình xây dựng NTM. Nhiều tiêu chí, chỉ tiêu đều phải đạt khá cao theo Bộ tiêu chí mới là một thách thức rất lớn đối với các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thành phố.

Trước khi sáp nhập, Hoành Bồ là huyện miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; huyện có 12 xã và 1 thị trấn, trong đó, có 6 xã miền núi, 5 xã vùng cao, nhiều xã vừa thoát khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, năm 2010 còn 13,1%; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/người/năm; diện tích tự nhiên rộng nhưng chủ yếu là rừng, núi; mật độ dân số thưa, sống không tập trung; địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn; tỷ lệ người dân tộc thiểu số có xã lên tới gần 100%; trình độ dân trí không đồng đều; tiêu chí nông thôn mới trước khi bắt đầu thực hiện chương trình thấp, chỉ đạt trung bình 3,5 tiêu chí/xã.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, TP Hạ Long (đứng giữa) đi cơ sở vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, TP Hạ Long (đứng giữa) đi cơ sở vận động người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Từ thực trạng trên, TP Hạ Long xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai chương trình xây dựng NTM theo hướng rõ mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Tập trung chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí khó như: Môi trường, hình thức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo... theo tiêu chí vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021-2025.

Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố, kiện toàn Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Công tác tuyên truyền nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò người đứng đầu và khơi dậy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Theo đó, nhiều tiêu chí, chỉ tiêu khó có thể hoàn thành lần lượt được tháo gỡ trên nền tảng bền vững, phát triển đi lên.

Ông Bàn Văn Vi, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng cho biết: Kỳ Thượng là một trong 3 xã vùng cao được cho là khó khăn nhất của TP Hạ Long, cái khó của xã Kỳ Thượng cả về cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế... Nhưng sau hơn 2 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã Kỳ Thượng bừng sáng. Trường học khang trang, môi trường sạch đẹp, các tuyến đường liên thôn được người dân góp công, góp sức thậm chí cả về kinh phí nên rộng hơn, to hơn và đẹp hơn.

Trường tiểu học và trung học cơ sở Kỳ Thượng xã Kỳ Thượng vừa được đầu tư xây mới.

Trường Tiểu học và THCS Kỳ Thượng, xã Kỳ Thượng vừa được đầu tư xây mới

Cùng với sự đổi thay nhanh chóng về cơ sở hạ tầng kinh tế, tư duy trong phát triển kinh tế của người dân ở ngay cả các xã vùng cao đã thực sự thay đổi kể cả lượng và chất. Theo anh Lý Tài Ngân, Giám đốc Công ty Cổ phần AmVápFarm, xã Kỳ Thượng: Vài năm về trước, những người đồng bào dân tộc ở đây chỉ quen với những tập tục canh tác manh mún, độc canh và cuộc sống phụ thuộc chính vào nguồn tự tạo của tài nguyên rừng. Nay thì đã khác, cũng chính con người ấy, mảnh đất ấy, người đồng bào dân tộc ở xã Kỳ Thượng đã cùng nhau thành lập doanh nghiệp, cùng nhau góp vốn với số tiền hơn 7 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mô hình dịch vụ, du lịch trải nghiệm. Hiện tại, khu du lịch trải nghiệm mang gam màu hiện đại gắn với bản sắc vùng đồng bào. Vào những ngày cuối tuần khu dịch vụ, du lịch thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng này đã thu hút hàng trăm lượt khách đến nghỉ ngơi, trải nghiệm và ngắm cảnh trùng điệp của núi rừng, bản làng người Dao... cho thấy bước tiến dài trong chuyển đổi về tư duy kinh tế của người dân...

Du lịch nghỉ dưỡng hướng đi mới của người dân vùng cao thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng.

Du lịch nghỉ dưỡng là hướng đi mới của người dân vùng cao thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng

Trên quan điểm lấy đầu tư cơ sở hạ tầng gỡ khó cho tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân, TP Hạ Long tập trung quy hoạch vùng sản xuất, hướng người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phát triển các sản phẩm thành sản phẩm hàng hóa làm khâu đột phá trong phát triển sản xuất nên đã tạo được sự thay đổi nhận thức của đa số người dân. Nhiều mô hình kinh tế vườn kết hợp với du lịch trải nghiệm, mô hình chăn nuôi, mô hình rừng cây gỗ lớn của người dân đã cho thu nhập cao mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.

Với quyết tâm, cách làm sáng tạo của TP Hạ Long, hầu hết các tiêu chí khó đã được tháo gỡ. Về môi trường 96,2% hộ dân có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo 3 sạch; giáo dục và đào tạo, 12/12 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ III; y tế, 12/12 xã có trạm y tế và tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng... Đến nay, 12/12 xã đã được UBND tỉnh thẩm định và công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, 4/12 xã là xã Dân Chủ, Sơn Dương, Thống Nhất, Lê Lợi được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao - ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết thêm.

Theo Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 44925