Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2022)

Trên chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, công tác tuyên giáo luôn được xác định là một lĩnh vực quan trọng, bộ phận cấu thành của công tác xây dựng Đảng. 92 năm qua, Công tác tuyên giáo của Thành phố không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, khẳng định sứ mệnh “đi trước, mở đường” trên mặt trận tư tưởng của Đảng, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xây dựng Thành phố Hạ Long ngày càng giầu đẹp, văn minh.

Lịch sử Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng gắn liền với quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vượt qua sự hạn chế về tư tưởng cứu nước của các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản đương thời, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, mà sự kiện tạo ra bước ngoặt căn bản trong việc hình thành con đường cứu nước của dân tộc là khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin vào tháng 7/1920; từ đó Người tin và đi theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, và theo đường lối cách mạng vô sản, Người khẳng định “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. 

Những nỗ lực của Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trong việc truyền bá hệ tư tưởng Mác xít và tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng… đã góp phần tích cực làm nên sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc, đó là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng. 

Đặc biệt, ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên "Ngày quốc tế đỏ 1/8". Đây là Tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ "Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành". Ngay sau khi phát hành, Tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.

Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng. 

Qua mỗi giai đoạn cách mạng, ngành Tuyên giáo không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, nhạy bén, đổi mới công tác tham mưu, không ngừng sáng tạo, tự làm mới mình, bắt kịp sự phát triển thời đại công nghệ 4.0, tổ chức triển khai các nhiệm vụ đồng bộ, bài bản có trọng tâm, trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, lao động, sáng tạo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững ổn định kinh tế chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ tham mưu giúp cấp ủy, làm tốt công tác huấn luyện, giáo dục, tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến, kiến quốc. Đất nước thống nhất, ngành tuyên giáo tiếp tục thực hiện sứ mệnh cao cả truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân; là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức.

92 năm qua, công tác tuyên giáo của Thành phố Hạ Long đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Thành phố. Hiện Ban Tuyên giáo Thành ủy có 5 cán bộ công chức, 100% có trình độ chuyên môn cử nhân trở lên; 100% có trình độ trung cấp và cao cấp lý luận chính trị. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, trong nhiều năm qua, cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Thành ủy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tham mưu trên nhiều lĩnh vực, “đi trước”, “mở đường”, giải quyết nhiều công việc mới, khó, thực hiện chức năng định hướng tư tưởng chính trị, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố ghi nhận.

Với những đóng góp to lớn của mình trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long và Huyện ủy Hoành Bồ đã được Tỉnh ủy Quảng Ninh 01 lần tặng cờ dẫn đầu phong trào Thi đua ngành Tuyên giáo và nhiều Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; năm 2009, được Ban Tuyên giáo Trung ương vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền biển, đảo và phân giới cắm mốc năm 2009; năm 2013 được Báo Nhân dân tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW ngày 22/12/1996 của Bộ Chính trị về việc mua và đọc báo, tạp chí, tài liệu của Đảng...và nhiều Bằng khen, giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác tuyên giáo. Đặc biệt, năm 2013, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo là dịp để chúng ta cùng ôn lại và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Tuyên giáo ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị, biểu thị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 22976