TP Hạ Long: Ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn

Năm nay, TP Hạ Long phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, thành phố đang dồn mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn, qua đó, tăng cường kết nối đáp ứng nhu cầu của người dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền.

Riêng năm 2022, thành phố đã bố trí 723 tỷ đồng để đầu tư cho các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi gắn với chương trình xây dựng NTM. Trong đó, thành phố đã bố trí 691 tỷ đồng đầu tư cho 19 dự án chuyển tiếp năm 2021 và 13 dự án khởi công mới để đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 32 tỷ đồng cấp bổ sung có mục tiêu hỗ trợ 11 xã đầu tư xây dựng 62 công trình hạ tầng thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

Đập tràn thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương, TP Hạ Long được xây dựng kiên cố.

Xác định giao thông là động lực quan trọng tăng cường kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, thành phố đang tập trung nguồn lực triển khai các công trình thiết yếu như: Đường đấu nối QL279 đến tỉnh lộ 342; nâng cấp đập Gốc Mương, thôn 1, xã Dân Chủ; nâng cấp tuyến đường Đồng Cao - Đò Bàng, xã Thống Nhất; hệ thống điện chiếu sáng QL 279 (đoạn từ Km5+400 đến Km13+800)…

Cùng với giao thông nông thôn, TP Hạ Long quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất, thiết bị dạy và học tại các xã trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất các trường học vùng cao, vùng khó khăn; chú trọng rà soát, bổ sung, xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, phòng ở cho học sinh nội trú, bán trú ở vùng khó khăn; xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên.

Một số công trình đã và đang được triển khai như: Xây dựng bổ sung phòng học và phòng chức năng Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Lâm 1, xây mới Trường TH&THCS Hòa Bình, xây mới Trường Mầm non xã Đồng Lâm… Nhờ đó, riêng khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 84%, phòng học kiên cố đạt 96%, nhà vệ sinh đạt chuẩn đạt 67,1%...

Nhà văn hóa xã Đồng Sơn, TP Hạ Long được xây dựng khang trang.

Nhằm đảm bảo thông tin liên lạc, phủ sóng vùng lõm, đáp ứng nhu cầu của người dân, thành phố đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khảo sát, lựa chọn vị trí, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trạm BTS và lắp đặt hạ tầng cáp quang băng thông rộng. Hiện, thành phố đã bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp viễn thông để xây dựng trạm BTS tại xã Đồng Lâm, Đồng Sơn để phủ sóng.

Đặc biệt, do địa hình phức tạp, nằm xa trung tâm, dân cư thưa thớt, nên thành phố còn 10 xã miền núi gồm: Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Tân Dân, Bằng Cả, Quảng La, Sơn Dương, Dân Chủ, Vũ Oai, Hòa Bình, Đồng Lâm gặp khó khăn trong việc cấp nước sạch. Do đó, thành phố đang nghiên cứu chủ trương đầu tư dự án cấp nước sạch tập trung cho các xã này với các hạng mục chính là: Đập tràn, khu xử lý, đường ống cấp nước thô… với tổng mức đầu tư gần 190 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2024-2027. Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Với sự quan tâm đầu tư đặc biệt này, tin tưởng rằng TP Hạ Long sẽ không chỉ hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay, mà còn đạt được mục tiêu cao hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt trên 62 triệu đồng/người/năm, duy trì và giữ vững không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.

Theo Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 6943