Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản

Những năm qua, mặc dù nuôi trồng thủy sản (NTTS) gặp nhiều khó khăn về biến đổi khí hậu, dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước nhưng sản lượng nuôi thủy sản của thành phố vẫn duy trì ổn định, tăng đều qua từng năm. Để có được kết quả trên, các doanh nghiệp, hộ nuôi thủy sản đã tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Ghi nhận tại Công ty CP Nhật Long (phường Hà Phong).

Công ty CP Nhật Long đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, thiết bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghiệp.

Quyết tâm làm chủ công nghệ nuôi tôm, Công ty CP Nhật Long đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, thiết bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghiệp. Công ty áp dụng quy trình nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn. Đầu tư ban đầu cho 1ha nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn lên đến 12 tỷ đồng, gấp 2 lần mô hình nuôi tôm công nghiệp thông thường; gấp 12 lần nuôi quảng canh. Tuy nhiên “đắt sắt ra miếng”, sản lượng, giá trị con tôm Công ty đạt được ở mức cao nhất toàn tỉnh, trung bình đạt từ 50 - 70 tấn/ha/năm, cao hơn 2 - 2,5 lần nuôi công nghiệp thông thường; cao hơn gần 100 lần so với nuôi quảng canh. Quá trình nuôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học; sử dụng các thiết bị hiện đại để chăm sóc tôm. Tính ưu việt của quy trình này là giảm được rủi ro, giảm lượng tôm giống hao hụt khi thả, dễ kiểm soát dịch bệnh và đặc biệt thuận lợi cho việc xử lý chất thải sau vụ nuôi.

Chất lượng con tôm được thương lái đánh giá cao.

Để nâng cao sức đề kháng cho tôm, Công ty CP Nhật Long còn nghiên cứu sử dụng một số loại thuốc bắc, nam để trộn lẫn với thức ăn dành cho tôm, sức sống của con tôm tốt hơn, chất lượng con tôm được thương lái đánh giá cao.

Anh Nguyễn Văn Thái, thương lái: tôi thu mua tôm toàn miền Bắc, tôi thấy chất lượng tôm ở đây rât tốt, con tôm khỏe, sau chế biến ăn ngon, ngọt, chắc thịt.

Công ty đang thực hiện thành công dự án ứng dụng KHCN vào nuôi cá thương phẩm

Hiện nay, Công ty đang thực hiện thành công dự án ứng dụng KHCN vào nuôi cá thương phẩm. Từng bước đưa doanh nghiệp trở thành khu vực nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế, góp phần cung cấp nguồn thủy hải sản thương phẩm phục vụ nhu cầu du khách, người dân trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Hữu Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Nhật Long chia sẻ: Trong thoi gian tới, công ty chúng tôi dự định tăng sản lượng tôm thẻ chân trắng. Chúng tôi dự kiến nuôi thêm cá, hầu với sản lượng 500 tấn. Tôi mong chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp về vay vồn, ứng dụng KHKT để chúng tôi tăng sản lượng cao hơn nữa.

Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học-công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học-công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh-yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Thái Ngan-  Đoàn Việt

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 8701