Xã Đồng Lâm: Trồng rừng gỗ lớn để phát triển kinh tế bền vững

Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng sản xuất, xã Đồng Lâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Nhận đất trồng rừng từ những năm 1990, nhưng đến nay, gia đình anh Bàn Hữu Mạnh ở thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm vẫn chưa đạt được giá trị kinh tế như mong muốn. Bởi với 7 ha, gia đình anh chủ yếu trồng keo, sau chu kỳ 6 năm, mỗi ha chỉ cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng chưa trừ chi phí. Trong khi đó, nếu chuyển sang trồng cây gỗ lớn thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhiều. Nhận thức được điều đó, năm 2021, gia đình anh đã quyết định chuyển 4 ha từ trồng keo sang trồng quế.

Anh Mạnh nhẩm tính nếu trồng quế, sau 10-12 năm cho thu hoạch, thời gian dài gấp đôi so với trồng keo. Song nếu tính theo giá cả hiện tại thì 4 ha quế cũng bán được ít nhất 2 tỷ đồng. Tính ra mỗi ha quế cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng keo. Hơn nữa, cây quế còn tốt ít công trồng và chăm sóc hơn vì khi thu hoạch chỉ cần cắt sát gốc, cây sẽ nảy mầm; người dân chỉ cần tiếp tục chăm sóc mà không cần trồng mới. Sau gần 1 năm trồng, 4 ha quế của gia đình anh đang phát triển rất tốt. Nếu có kết quả khả quan, sau khi thu hoạch 3 ha keo còn lại, anh sẽ tiếp tục chuyển đổi hết sang trồng quế.

Anh Bàn Hữu Mạnh (thôn Đèo Đọc, xã Đồng Lâm) đang chăm sóc đồi quế mới trồng rộng 4ha của gia đình

Không chỉ cho giá trị kinh tế cao hơn, cây gỗ lớn còn có giá trị giữ nguồn sinh thủy lớn hơn rất nhiều lần so với cây keo. Do đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Lâm phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực với người dân làm nghề rừng.

Đặc biệt, từ tháng 3/2021, thực hiện Nghị quyết số 337 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, các hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn được hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống (tối đa 15 triệu đồng/ha) và hỗ trợ vay vốn sản xuất. Chính sách này đã tạo động lực để nhiều hộ dân chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Năm 2021, toàn xã có 6 hộ đăng ký trồng 19 ha, chủ yếu là trồng quế. 6 tháng đầu năm 2022, có thêm 46 hộ đăng ký trồng 106,7 ha. Cùng với cây quế, các loại cây như lim, giổi, lát cũng được xã chỉ đạo, vận động nhân dân trồng ở các khu vực đầu nguồn sinh thủy.

Những buổi ra quân trồng rừng gỗ lớn cũng được xã tổ chức tại các thôn, với sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương cùng các lực lượng là Kiểm lâm, cán bộ công chức, các đoàn thể chính trị - xã hội của xã. Thông qua những buổi ra quân như vậy nhằm tuyên truyền tới các hộ có rừng về tầm quan trọng của việc trồng cây gỗ lớn; huy động sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong việc trồng, chăm sóc rừng gỗ lớn.

Một buổi ra quân trồng rừng gỗ lớn được xã Đồng Lâm tổ chức tại thôn Cài

Anh Đặng Văn Lịch, Bí thư chi bộ thôn Cài, xã Đồng Lâm cho biết: Trước kia người dân ở đây chủ yếu trồng keo, nhưng càng ngày nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây keo mang lại không cao. Thời gian gần đây, người dân dần nhận thức được và muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây gỗ lớn, vừa đảm bảo môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn sinh thủy đầu nguồn. Hiện nay tại thôn Cài đã có 8 hộ dân đăng ký trồng 14 ha rừng gỗ lớn, đến thời điểm này đã trồng được 10,5 ha.

Trao đổi với đồng chí Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm, được biết: Thực hiện Nghị quyết 337 về trồng cây gỗ lớn, Đảng ủy, UBND xã đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện. Năm 2022, xã được giao 120 ha trồng cây gỗ lớn theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và 30 ha trồng lim, giổi, lát theo Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 6 tháng đầu năm, xã đăng ký 106,7 ha, đến nay bà con đã đăng ký 70 ha và đã trồng xong. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi chuyển từ cây keo sang cây quế và các cây khác.

Trồng rừng gỗ lớn hiện đang là xu hướng không chỉ ở Quảng Ninh mà trên toàn thế giới; đồng thời là một trong những giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng Lâm là địa phương có diện tích rừng lớn thuộc top đầu của TP Hạ Long với trên 1.300 ha. Với lợi thế đó, việc nhân rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững cho các hộ gia đình tham gia trồng rừng.

Phương Loan – Đoàn Việt

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 6680