Các quy định của pháp luật về việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá (tàu cá)

1. Tại sao khi vươn khơi chủ phương tiện nghề cá (chủ tàu cá) cần trang bị các thiết bị thông tin vô tuyến điện?

Thiết bị bộ đàm: Để liên lạc với người thân trên đất liền qua đài Thông tin duyên hải hoặc đài bờ tàu cá; liên lạc với các tàu cá trong tổ, đội sản xuất. Để thu các bản tin an toàn trên biển; thu các thông tin dự báo thời tiết. Gọi bắt liên lạc và phát tin cấp cứu, gọi các đài bờ khi cần trợ giúp. Liên lạc với Bộ đội biên phòng.

Thiết bị giám sát hành trình tàu cá vệ tinh: Để xác định vị trí và giám sát hành trình tàu cá phục vụ mục đích quản lý, đảm bảo an toàn. Để truy xuất nguồn gốc thủy hải sản phục vụ mục đích xuất khẩu (trước mắt là xóa thẻ vàng Châu Âu đối với thủy sản của Việt Nam)

2. Các thiết bị thông tin vô tuyến điện đặt trên tàu cá có phải xin cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện hay không?

Tất cả các tàu cá có trang bị thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng băng tần HF liên lạc tầm xa liên lạc với đất liền (phổ biến là các dòng máy ICOM IC như: M700; M710, M718; VERTEX VX 1700...), thiết bị giám sát hành trình vệ tinh đều phải đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và được xem xét cấp Giấy phép đài tàu cá.

3. Tại sao các thiết bị thông tin vô tuyến điện đặt trên tàu cá phải xin cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện?

- Giúp cho ngư dân được sử dụng tần số và thiết bị phát vô tuyến điện một cách hợp pháp, đúng quy định.

- Đảm bảo sử dụng tần số đúng mục đích, có hiệu quả, tránh gây can nhiễu lẫn nhau, không làm ảnh hưởng đến thông tin an toàn cứu nạn và cứu hộ trên biển, bảo mật thông tin hành trình tàu cá. Góp phần bảo đảm an toàn thông tin cho các hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ.

4. Khi muốn đăng ký cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu cá phải liên hệ với cơ quan tổ chức nào? Ở đâu?

- Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực V- Số 783 Tôn Đức Thắng, Phường Sở Dầu, Q. Hồng Bàng, Hải Phòng. ĐT: 02253.827.855/ 0904831806.

- Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, (qua Phòng Bưu chính, Viễn Thông, ĐT: 02033638955); Các phòng văn hóa thông tin cấp huyện, UBND cấp xã;  hoặc  Bộ đôi Biên Phòng địa phương để đề nghị hỗ trợ.

5. Thủ tục xin cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu cá?

Theo quy định tại Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT ngày 13/8/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông

 Hồ sơ cấp mới thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu cá gồm:

a) Bản khai thông tin chung và bản khai thông số kỹ thuật, khai thác theo mẫu 1c quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;

 b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý của một trong các loại giấy tờ sau:

- Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn hoặc Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá (đối với cá nhân đề nghị cấp giấy phép); hoặc

- Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh đề nghị cấp giấy phép).

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có giá trị pháp lý Hợp đồng sử dụng dịch vụ thông tin vệ tinh của chủ tàu cá với doanh nghiệp viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép (đối với thiết bị giám sát hành trình tàu cá qua vệ tinh).

Thời gian xử lý hồ sơ và cấp giấy phép: 10 ngày làm việc (không kể thứ bầy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ) tính từ thời điểm tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

6. Các quy định có liên quan đến việc cấp phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện đặt trên tàu cá?

- Giấy phép sử dụng tần số có thời hạn tối đa là 10 năm.

- Các thiết bị vô tuyến điện (bao gồm cả thiết bị giám sát hình trình về tinh) đặt trên phương tiện nghề cá xin cấp giấy phép sử dụng đài tàu cá, được miễn lệ phí cấp phép và phí sử dụng tần số vô tuyến điện kể từ ngày 01/05/2022.

7. Các quy định về cách thức liên lạc của thiết bị được sử dụng trên băng tần HF như thế nào?

- Trong điều kiện bình thường chỉ được sử dụng các kênh tần số đã được quy định trên giấy phép để liên lạc giữa các phương tiện nghề cá với nhau và liên lạc về đất liền (quy định này không áp dụng khi liên lạc với các Đài Thông tin duyên hải Việt Nam).

-  Tuân thủ nguyên tắc đàm thoại chỉ phục vụ công việc, đúng đối tượng, đúng mục đích, sử dụng đúng các tần số được hướng dẫn trên giấy phép.

- Chỉ thiết lập cuộc gọi khi kênh tần số vô tuyến điện đang trong tình trạng rỗi, không có người sử dụng trừ khi liên quan đến cấp cứu, an toàn tính mạng con người. Trước khi phát, phải lắng nghe trên tần số dự định phát để đảm bảo tần số này đang rỗi.

- Phải bảo đảm thời gian liên lạc ngắn gọn nhất, không vượt quá 5 phút đối với mỗi cuộc đàm thoại. Phát hô hiệu tại đầu và cuối mỗi cuộc gọi.

Sử dụng trong trường hợp khẩn cấp:

- Trong trường hợp khẩn cấp, gây nguy hiểm đến tính mạng và phương tiện trên biển, ngoài việc sử dụng kênh dành riêng phục vụ thông tin an toàn cứu nạn, tổ chức, cá nhân khi gửi thông tin hoặc tín hiệu cấp cứu còn có thể phát sóng để thu hút sự chú ý trên bất cứ kênh nào trong Bảng phân kênh tần số.

- Khi nhận được thông tin, tín hiệu cấp cứu, các đài vô tuyến điện phải lập tức ngừng phát sóng trên tần số có khả năng gây nhiễu cho thông tin cấp cứu và phải liên tục lắng nghe trên tần số phát gọi cấp cứu; trả lời và thực hiện ngay mọi hỗ trợ cần thiết, đồng thời thông báo cho cơ quan tìm kiến cứu nạn (thông qua tần số 7903 KHz,...)

8. Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng các thiết bị thông tin vô tuyến điện đặt trên tàu cá:

-  Gây nhiễu có hại cho kênh an toàn, cứu nạn. Dùng kênh an toàn, cứu nạn cho mục đích thiết lập cuộc gọi và liên lạc.

-  Dùng kênh gọi cho mục đích liên lạc (trừ thông tin cấp cứu). Phát tín hiệu gọi, tín hiệu nhận dạng liên tục, lặp đi lặp lại trên kênh gọi vượt quá thời gian 1 phút.

-  Phát tín hiệu nhận dạng đồng thời trên hai hoặc nhiều tần số khi chỉ liên lạc với một đài khác.

Nguồn: Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Ninh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 1028