Bảo tồn di sản Hán Nôm tại Hạ Long

Với số lượng di tích lịch sử khá nhiều, TP Hạ Long đang sở hữu kho tàng di sản Hán Nôm phong phú, đa dạng cần tiếp tục được quan tâm nghiên cứu.

Phối cảnh khu văn hoá Núi Bài Thơ và đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn sau khi được tu bổ, mở rộng.

Phối cảnh khu văn hoá Núi Bài Thơ và đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn sau khi được tu bổ, mở rộng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết: Từ sau công cuộc đổi mới vào năm 1986, các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn TX Hồng Gai và nay là TP Hạ Long từng bước được phục hồi, tu sửa trong đó có việc bảo tồn tư liệu Hán Nôm. Song từ đó đến nay cũng chưa có đợt kiểm kê, khảo sát, bảo tồn, phát huy giá trị của tư liệu Hán Nôm có tại các di tích trên địa bàn thành phố.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi, tư liệu Hán Nôm không phải hiện diện ở tất cả 96 di tích trên địa bàn thành phố mà tập trung chủ yếu ở các đình, đền, chùa, miếu. Qua thống kê cho thấy, có 56 di tích có tư liệu Hán Nôm trong đó có 15 ngôi đình, 16 ngôi chùa, 18 ngôi đền, 5 ngôi miếu, 1 nghè và di tích núi Bài Thơ. Tại chùa Long Tiên bên phía ngoài tam quan có 8 đôi câu đối, trong chùa có 17 đôi được khắc lên gỗ. Đền thờ vua Lê Lợi chỉ có 3 bức hoành phi và 4 đôi câu đối.

Di chỉ bài thơ của vua Lê Thánh Tông trên vách núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ thuộc thành phố Hạ Long ngày nay).

Di chỉ bài thơ của vua Lê Thánh Tông trên vách núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ thuộc thành phố Hạ Long ngày nay).

Tại núi Mằn, ngọn núi được coi là song sinh với núi Bài Thơ cũng có nhiều tư liệu Hán Nôm cần tiếp tục được khai thác. Nhà nghiên cứu Hoàng Giáp, nguyên Trưởng Phòng Sưu tầm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho biết: Dân gian có câu truyền rằng “Mằn sơn trấn hải, vạn đại đế vương”, tức là có núi Mằn trấn ở Cửa Lục thì đất đai quốc gia sẽ muôn đời bền vững. Ở đó có nhiều thành quách thời nhà Mạc, còn nhiều phiến đá đã được người xưa đẽo gọt. Tôi nghĩ là nếu khảo cổ thì còn tiếp tục phát hiện ra nhiều vấn đề hơn nữa. Có thể, niên đại còn xa xưa hơn nữa chứ không dừng lại ở thời Mạc. Ở núi Mằn cũng đã tìm thấy phiến đá thờ Vũ Phi Hổ, tiến sĩ đầu tiên của Quảng Ninh từ thời Lê sơ.

Bên cạnh những hoành phi, câu đối sắc phong tại các di tích, trên địa bàn TP Hạ Long hiện có không ít di sản tư liệu Hán Nôm nằm trong các sách chữ Nôm của người Dao. Đồng bào còn dùng chữ Nôm Dao cổ trong các  sách cúng chữ Nôm, sách hát để duy trì tốt đẹp nền nếp gia phong và giữ gìn tri thức dân gian của dân tộc. Những cuốn sách này là kho tàng kiến thức của dân tộc được đúc rút qua nhiều thế hệ, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, các phong tục tập quán và mọi mặt đời sống tinh thần. Sách còn lưu trữ nhiều thể loại văn nghệ dân gian của người Dao, như: Trường ca, truyện thơ, tập truyện, hát giao duyên... Đây là di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc và có giá trị nhân văn, là nguồn sử liệu quý chứa đựng tri thức dân gian hữu ích cho các nhà nghiên cứu văn hoá.

Chùa Long Tiên ở TP Hạ Long vắng lặng về đêm.

Chùa Long Tiên ở TP Hạ Long lưu hữu nhiều tư liệu Hán Nôm.

Nhìn chung, việc bảo tồn tư liệu Hán Nôm ở các di tích được thực hiện khá tốt. Nhiều câu đối, hoành phi được tôn tạo khắc trên loại gỗ tốt. Cùng với di chỉ bài thơ của vua Lê Thánh Tông, quanh vách núi Truyền Đăng hiện có 12 bài thơ cổ được tiền nhân khắc lên đá. Những bài thơ quan trọng nhất của núi Bài Thơ đã được làm mái che mưa nắng không để nước mưa trực tiếp xâm hại. Cách đó không xa, tại đền Trần Quốc Nghiễn có hai tấm bia đá cổ cũng được làm mái che cẩn thận.

PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho rằng, Hạ Long cần giữ lại các câu đối đại tự hiện có, song cũng có thể giữ nguyên nội dung mà làm lại với quy mô lớn hơn, đẹp hơn. Cũng cần bổ sung vào đền thờ vua Lê Lợi những câu đối, hoành phi cuốn thư mới cho phù hợp. Đồng thời, cần dựng một phiên bản văn bia ghi lại việc vua Lê Thái Tổ đánh giặc ở Mường Tè để đặt vào đền.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mùi, TP Hạ Long cần tổng kiểm kê tư liệu Hán Nôm trên địa bàn để nắm bắt thông tin về thực trạng di sản Hán Nôm làm căn cứ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị. Thứ hai là cần lập một hội đồng khoa học để giám định tư liệu Hán Nôm trên địa bàn, sàng lọc chọn ra những hoành phi câu đối có nội dung hay, loại những thứ có nội dung trùng lặp, khắc sai chữ hoặc có nội dung chưa phù hợp, sắp đặt lại những câu đối treo chưa đúng vị trí. Biên soạn những hoành phi, câu đối bổ sung cho những di tích còn thiếu hoặc những di tích sắp được trùng tu mở rộng. Cũng nên mời những nhà thư pháp Hán Nôm lựa chọn những mẫu chữ đẹp giao cho thợ khắc lên gỗ hoặc lên tường. Thành phố cũng nên dịch tư liệu Hán Nôm để giới thiệu cho du khách, số hoá, tổ chức in ấn trưng bày quảng bá xuất bản để giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Đối với các sách chữ Nôm của người Dao, hiện cũng đã có nhiều sách cổ, trong đó có sách cúng, sách xem tướng số, xem ngày, các bài hát Dao được sưu tầm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống kê đầy đủ và chưa có kinh phí để tổ chức dịch, nghiên cứu dù vẫn biết việc bảo tồn sách cổ và học chữ Nôm Dao vẫn là việc làm rất cần thiết.

Theo Huỳnh Đăng (Baoquangninh.vn)

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 33093