Quá trình hình thành và phát triển thành phố Hạ Long

Thành phố Hạ Long là vùng đất có lịch sử, văn hóa lâu đời. Các di chỉ khảo cổ học cho thấy cách đây trên 10.000 năm nơi đây đã là địa điểm cư trú của người Việt cổ (các di chỉ Văn hóa Soi Nhụ (niên đại cách ngày nay trên 10.000 năm); Văn hóa Cái Bèo (niên đại từ 7000 đến 5000 năm); Văn hóa Hạ Long (niên đại từ 5.000 đến 3.000 năm cách). Trải qua các thời kỳ lịch sử, vùng đất Hạ Long có sự thay đổi về địa danh và địa giới hành chính.

Khu vực trung tâm Thành phố Hạ Long

          Thời Hùng Vương đến hết thời kỳ Bắc thuộc, địa bàn Hạ Long hiện nay thuộc bộ Ninh Hải.

          Thời Tiền Lê (980 - 1009), địa bàn Hạ Long thuộc trấn (còn gọi là lộ) Triều Dương.

          Dưới đời vua Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 14 (1023), đổi trấn Triều Dương thành châu Vĩnh An.

          Đời vua Trần Thái Tông (năm 1242), châu Vĩnh An đổi thành lộ Hải Đông, địa bàn Hạ Long thuộc lộ Hải Đông. Đời vua Trần Nhân Tông (năm 1285), lộ Hải Đông đổi thành lộ An Bang. Đời vua Trần Thuận Tông (năm 1397), đổi lộ An Bang thành lộ phủ Tân An, địa bàn Hạ Long thuộc lộ phủ Tân An.

          Thời Hồ (1400 - 1407), lộ phủ Tân An đổi thành châu Tĩnh An.

          Đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), tên gọi Hoành Bồ chính thức được xác lập, thuộc phủ Hải Đông, thừa tuyên An Bang, có 25 xã. 2 trang (Theo Đồng Khánh Địa dư chí, tr.400).

          Dưới thời Lê Trung Hưng, Hoành Bồ là một huyện của phủ Hải Đông, trấn An Quảng (sau là trấn Yên Quảng).

          Dưới thời vua Gia Long (1802 - 1819), ranh giới các xứ trong cả nước được xác định lại. Hoành Bồ là một trong 3 huyện của phủ Hải Đông, gồm các tổng: Trí Xuyên, Vạn Yên, An Khoái.

          Năm Minh Mạng 17 (1836), triều đình Huế quyết định bỏ châu Vân Đồn, tách phủ cũ thành 2 phủ: phủ Sơn Định và Hải Ninh (Theo Đồng Khánh Địa dư chí, tr.400). Hoành Bồ là một huyện của phủ Sơn Định có 4 tổng, gồm 26 xã thôn, phường, động.

          Ngày 24/8/1891, chính quyền thực dân cắt một phần huyện Hoành Bồ cùng một số huyện khác thành lập Khu quân sự Phả Lại thuộc đạo quân sự thứ hai. Ngày 10/10/1895, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định xóa bỏ Khu quân sự Phả Lại. Phần đất của huyện Hoành Bồ trước kia bị cắt cho khu quân sự Phả Lại được trả lại cho huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên.

          Năm 1927, khu vực trung tâm thành phố Hạ Long gồm phường Trúc Võng thuộc tổng Vạn Yên; phường Giang Võng thuộc tổng Yên Mỹ; Hà Lầm tổng Cẩm Phả, Hòn Gay và Hà Tu thuộc tổng Trí Xuyên (Ngô Vi Liễn – Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc kỳ, NXB. Văn hóa Thông tin, trang 109,110). Vùng Bãi Cháy xưa gọi là Vạ Cháy, ven bờ biển và các bến bãi có nhiều nơi neo đậu của thuyền bè và xóm chài (Vạ Cháy, Cái Lân, Bến Đáy, Vựng Đâng). Năm 1928, huyện Hoành Bồ có 4 tổng Vạn Yên, Dương Huy, Trí Xuyên, Yên Mỹ, gồm 43 xã, phố.

          Sau Cách mạng tháng 8/1945, Bộ truởng Bộ Nội vụ nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị định ngày 19/7/1946, tạm lập tại tỉnh Quảng Yên một khu Đặc biệt (gồm châu Cẩm Phả và các thị xã Cẩm Phả Bến, Cẩm Phả Mỏ, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gay, Bãi Cháy) gọi là Khu đặc biệt Hòn Gay. Khu đặc biệt có ủy ban hành chính riêng do Hội đồng nhân dân các xã thuộc châu Cẩm Phả và các thị xã bầu ra. Cách tổ chức, quyền hạn... của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính khu đặc biệt như cách tổ chức cấp tỉnh. Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính khu đặc biệt làm việc tại thị xã Hòn Gay. Ủy ban hành chính Khu đặc biệt chịu quyền điều khiển, kiểm soát trực tiếp của ủy ban hành chính Bắc Bộ (Nguyễn Quang Ân - Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính 1945 - 2002, NXB Thông Tấn, HN, 2003, tr.161). Như vậy, thời điểm này, địa bàn Hạ Long thuộc 2 đơn vị hành chính là huyện Hoành Bồ và Khu đặc biệt Hòn Gay.

          Theo Quyết nghị số 99/NV-QP ngày 09/7/1947 của Liên bộ Nội vụ và Quốc phòng, các phủ, huyện Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều (thuộc tỉnh Hải Dương), Thủy Nguyên (thuộc tỉnh Kiến An) và Khu đặc biệt Hòn Gai quyền điều khiển của ủy ban hành chính tỉnh Quảng Yên.

          Ngày 25/11/1947, thực hiện sắc lệnh số 265-SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, tỉnh Quảng Yên (gồm cả khu vực Hòn Gai) sáp nhập vào Chiến khu 12 về mọi phương diện kháng chiến, hành chính và quân sự.

          Ngày 04/11/1949, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 127-SL hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10 thành Liên khu Việt Bắc, Đặc khu Hồng Gai thuộc Liên khu Việt Bắc.

          Ngày 22/02/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 221/SL thành lập khu Hồng Quảng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương, gồm Đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh), địa bàn Hạ Long thuộc khu Hồng Quảng.

          Ngày 30/10/1963, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ VII, phê chuẩn hợp nhất khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành một đơn vị hành chính mới lấy tên tỉnh Quảng Ninh. Huyện Hoành Bồ và thị xã Hồng Gai thuộc tỉnh Quảng Ninh.

          Ngày 10/9/1981, Hội đồng Bộ Trưởng ban hành Quyết định số 63-HĐBT phân vạch lại địa giới một số xã, phường và thị trấn của thị xã Hồng Gai: Giải thể thị trấn Hà Tu để thành lập 2 phường lấy tên là phường Hà Tu và phường Hà Phong; Giải thể thị trấn Hà Lầm để thành lập 3 phường là Hà Lầm, Hà Trung, Hà Khánh; Giải thể thị trấn Cột 5 để thành lập 2 phường là Hồng Hà, Hồng Hải; Giải thể thị trấn Cao Thắng để thành lập 2 phường là Cao Thắng, Cao Xanh; Giải thể thị trấn Giếng Đáy để thành lập 2 phường là Giếng Đáy, Hà Khẩu; Giải thể thị trấn Bãi Cháy để thành lập phường Bãi Cháy. Sau khi phân vạch lại địa giới, thị xã Hồng Gai gồm 16 phường: Bạch Đằng, Hạ Long, Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Hà Phong, Hà Tu, Hà Trung, Hà Lầm, Hà Khánh, Hồng Hà, Hồng Hải, Cao Thắng, Cao Xanh, Giếng Đáy, Hà Khẩu, Bãi Cháy và 3 xã: Thành Công, Hùng Thắng, Tuần Châu.

          Ngày 27 tháng 12 năm 1993, Chính phủ bàn hành Nghị định số 102-CP, thành lập thành phố Hạ Long trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Hồng Gai.

          Ngày 26/9/2003, thành phố Hạ Long được công nhận là Đô thị loại II, dần khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển.

          Ngày 10 tháng 10 năm 2013, Chính phủ ban hành Quyết định số 1838/QĐ-TTg công nhận thành phố Hạ Long là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đến cuối năm 2018, thành phố Hạ Long có 20 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 20 phường: Bạch Đằng, Bãi Cháy, Cao Xanh, Cao Thắng, Đại Yên, Giếng Đáy, Hà Khánh, Hà Khẩu, Hà Lầm, Hà Phong, Hà Trung, Hà Tu, Hồng Gai, Hồng Hà, Hồng Hải, Hùng Thắng, Trần Hưng Đạo, Tuần Châu, Việt Hưng, Yết Kiêu.

          Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020. Theo đó: Sáp nhập toàn bộ 843,54 km² diện tích tự nhiên và 51.003 người của huyện Hoành Bồ (gồm thị trấn Trới và 12 xã: Bằng Cả, Dân Chủ, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Hòa Bình, Kỳ Thượng, Lê Lợi, Quảng La, Sơn Dương, Tân Dân, Thống Nhất, Vũ Oai) vào thành phố Hạ Long. Thành lập phường Hoành Bồ thuộc thành phố Hạ Long trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị trấn Trới. Thành phố Hạ Long có 21 phường và 12 xã như hiện nay.

T.G

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 53707