Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Hạ Long

Nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, hàng năm Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND các xã, phường tích cực sưu tầm, thống kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hạ Long đã kiểm kê được 83 di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở 33 xã, phường.

Trong đó, có một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Hội làng Bằng Cả của người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả. Hội Làng Bằng Cả được tổ chức vào ngày 01/02 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội quan trọng nhất trong năm với nhiều nghi lễ cầu cho năm mới tốt đẹp, mưa thuận gió hòa… Lễ hội Bằng Cả được tổ chức theo đúng tính chất ngày hội với rất nhiều các hoạt động giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thể thao, trình diễn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống… Nét đặc sắc của hội làng Bằng Cả khiến cho sự kiện này có sức hút không chỉ đối với người Dao Thanh Y Bằng Cả, mà cả ở các xã khác cùng các dân tộc anh em.. và đã trở thành ngày hội văn hóa, đoàn kết chung của các dân tộc anh em.

Lễ hội Bằng Cả

Lễ hội truyền thống đền thờ vua Lê Thái Tổ

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 02 nghệ sỹ nhân dân, 12 nghệ sỹ ưu tú (không có người dân tộc thiểu số). Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú là phần thưởng cao quý mà Nhà nước dành tặng cho đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đây là những nghệ sĩ đã luôn nỗ lực rèn luyện, trưởng thành và không ngừng sáng tạo trong sự nghiệp nghệ thuật; là lực lượng tin cậy, trung thành của Đảng và nhân dân, có lòng yêu nước nồng nàn, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tinh thần cống hiến và tâm huyết với nghề nghiệp, thực sự là những ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật của Việt Nam nói chung và Hạ Long nói riêng. Các nghệ sĩ sẽ góp phần vào việc gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc.

Trên địa bàn Thành phố cũng có 05 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, các nghệ nhân đều là người dân tộc thiểu số. Đây là những “nhân vật nhân văn sống” được ghi nhận và tôn vinh cho những đóng góp không biết mệt mỏi vì sự phát triển của văn hoá Việt. Bởi những nghệ nhân này hiện đang nắm giữ, truyền dạy các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian…Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát, lập hồ sơ những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; đang nắm giữ, truyền dạy các lĩnh vực, hình thức như: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian để trình các cấp đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Lớp học may thêu trang phục truyền thống người Dao Thanh Y

Tại một số xã, hàng năm chính quyền địa phương đã rất quan tâm khuyến khích, động viên các nghệ nhân phối hợp cùng với Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp học như: Lớp thêu hoạ tiết hoa văn hóa truyền thống của dân tộc; lớp học chữ Nôm Dao; lớp dạy các làn điệu dân ca, hát giao duyên, hát soong, hát đối, các lớp dân vũ, lớp học nhảy múa cắp sắc…cho các thế hệ là con em vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ; điển hình như xã Bằng Cả hiện nay có khoảng trên 10 người đã biết hát giao duyên do được truyền dạy thông qua các lớp học trên địa bàn xã tổ chức.

Không thể phủ nhận các nghệ nhân, nghệ sỹ như một "kho tàng sống" trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, đa số các nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đã có tuổi, đều sinh sống tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hiện các nghệ nhân không có các chính sách đãi ngộ, hoặc phụ cấp hàng tháng. Hàng năm (từ năm 2021), các nghệ nhân chỉ được UBND Tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/người trong dịp Tết Nguyên đán.

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Hạ Long là việc làm hết sức cần thiết và phải đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng sâu, vùng xa như Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm... đảm bảo tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các xã vùng cao vào phát triển du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các địa phương lân cận.

Đỗ Hương

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 16059