Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao xã Đồng Sơn

Với mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hoá bản địa, góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm của tỉnh, thành phố về “phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, những năm qua, các xã trên địa bàn thành phố Hạ Long đã thực hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả về xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh. Tiêu biểu là mô hình “Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Dao” ở xã Đồng Sơn.v

Câu lạc bộ thêu may thôn Tân Ốc 2

Từ bao đời nay, việc thêu hoa văn trên váy áo của người Dao vẫn do phụ nữ đảm nhiệm, nhưng hiện nay, nhiều bạn trẻ ở xã Đồng Sơn không còn thành thạo công việc này. Do đó, Hội LHPN xã đã thành lập câu lạc bộ thêu may trang phục truyền thống tại thôn Tân Ốc 2 với 20 thành viên. Mỗi tháng tổ chức dạy 1 buổi cho các thành viên tại nhà văn hoá thôn.

Tham gia Câu lạc bộ, những người bà, người mẹ, người chị không chỉ được thể hiện niềm đam mê, mà họ còn truyền dạy cho lớp trẻ giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. Đó cũng là một cách kiếm tiền để tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình mỗi khi rảnh rỗi.

Bà Triệu Thị Bình, thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn chia sẻ:“Tôi bắt đầu học thêu từ năm 14 tuổi. Đến bây giờ ngoài 70 tuổi rồi tôi vẫn thêu. Tôi thêu để dạy con cháu giữ lại truyền thống của người dân tộc Dao chúng tôi.”

Nhờ sự hướng dẫn tận tình, sự nỗ lực học tập mà chỉ sau 1 thời gian ngắn, cháu Bàn Triệu Thảo Nguyên, học sinh lớp 5, trường TH&THCS Đồng Sơn đã biết thêu khăn, thêu áo cho mình, cháu Nguyên chia sẻ: “Khi tham gia vào câu lạc bộ này, cháu đã biết thêu trang phục dân tộc Dao để biết văn hóa của dân tộc mình. Sau này, cháu sẽ dạy cho các bạn để văn hóa của người Dao luôn được gìn giữ".

Những người có nhu cầu học chữ Nôm đã tìm đến nhà ông Bàn Ngọc Hương

Cùng với đó, xã Đồng Sơn cũng đã nhờ những người có uy tín, thầy mo, thầy cúng thành thục về chữ Nho hướng dẫn người dân có nhu cầu tham gia học chữ.

Ông Bàn Ngọc Hương, Thôn Tân Ốc 1, xã Đồng Sơn cho biết: “Ngày xưa tôi còn trẻ thì bố tôi cũng đã dạy tôi học chữ Nôm để duy trì bản sắc dân tộc. Sau khi được nghỉ hưu tôi cũng ý thức được vấn đề giữ gìn, lưu truyền văn hoá dân tộc của mình là rất cần thiết. Do đó, cùng với việc tìm tòi qua sách vở và các thông tin trên mạng thì tôi còn mở lớp dạy cho con cháu, hàng xóm có nhu cầu. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục dạy cho các con cháu cũng như là bà con hàng xóm để anh em biết, nắm được những phong tục tập quán của dân tộc mình”.

Tại đây, họ không chỉ được nghệ nhân truyền đạt, nêu cao ý thức giữ gìn tiếng nói, chữ viết, phong tục, nghi lễ theo đúng bản sắc, mà còn bảo nhau loại bỏ dần các hủ tục không còn phù hợp trong đời sống.

Anh Bàn Trường Sơn, thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia lớp học tiếng Dao. Đến đây, chúng tôi ngoài việc được học tiếng nói, chữ viết, còn được học các điệu hát, múa của dân tộc để cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.”

Ngoài ra, xã Đồng Sơn cũng đã huy động những người uy tín trong thôn truyền đạt, hướng dẫn người dân trên địa bàn về cách đan sọt của người Dao Thánh Phán để phục vụ lễ cấp sắc. Hàng năm tổ chức hội thi viết chữ Nho, thêu may để giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá dân tộc.

Đồng Sơn là xã miền núi của thành phố Hạ Long với trên 98% dân số là đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào được cấp uỷ, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện. Nhờ đó, mô hình được duy trì, hoạt động có hiệu quả, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Quảng Ninh nói chung, thành phố Hạ Long nói riêng.

Anh Đặng Hữu Tề, cán bộ văn hoá xã Đồng Sơn cho biết: “Từ khi triển khai mô hình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của người Dao Thanh Phán đến giờ thu được nhiều kết quả. 4/4 thôn đều có câu lạc bô thêu may theo nhóm. Nên hàng năm đều có những bộ quần áo trang phục dân tốc để các cô gái người Dao mặc trong các lễ hội hoặc ngày Tết. Việc học chữ Nôm Dao rất khó nhưng có thầy chỉ bảo tận tình nên nhiều bạn trẻ đã chịu khó học và một số đã biết đọc, biết viết, theo các thầy đi dự các lễ cấp sắc của người Dao.”

Mô hình này đã góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực của huyện Hoành Bồ sau khi sáp nhập vào thành phố Hạ Long, nhất là về bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc.

Đồng Sơn trên con đường đổi mới

Trước sự phát triển của nền kinh tế hiện đại, việc giữ gìn những nét đặc trưng riêng có trong văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào Dao ở thành phố Hạ Long là rất cần thiết. Đó là ý thức, trách nhiệm của mỗi người, mỗi cộng đồng để bảo tồn, giữ gìn và phát triển tinh hoa văn hoá truyền thống. Trên cơ sở đó chắp cánh cho thành phố Hạ Long phát triển du lịch, dịch vụ với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Góp phần thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm của tỉnh, thành phố “phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” và xây dựng TP Hạ Long "Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình".

Trần Thanh, Ngọc Khánh

 

 

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 42086