Hạ Long: Đổi mới đồng bộ công tác giáo dục tại các cấp học

Trong những năm qua, với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, ngành GD-ĐT TP Hạ Long đã có nhiều giải pháp để tạo môi trường học tập mà học sinh thích học, thích đi học, mỗi ngày đến trường là một ngày vui; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân của học sinh đối với cộng đồng, xã hội; gắn giáo dục tri thức, đạo đức với giáo dục truyền thống văn hóa, giáo dục thể chất; rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống. Thành tích của học sinh TP phải toàn diện, hài hòa giữa đức - trí - thể - mỹ và giữa tất cả các cấp học, bậc học.

Để chương trình Giáo dục mầm non phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, khả năng và nhu cầu của trẻ, phòng GD-ĐT Thành phố đã thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025. Đồng thời với đó, tiếp tục tăng cường công tác huy động trẻ, nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường/lớp, được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non đồng thời đảm bảo tiêu chí nông thôn mới đối với chỉ tiêu huy động trẻ. Huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, tiếp tục giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, khống chế tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì. Đặc biệt nâng cao chất lượng bữa ăn, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ của các trường mầm non vùng dân tộc thiểu số.

Hoạt động ngoại khóa tại trường mầm non Hạ Long

 Các nhà trường cũng tập trung đổi mới phương thức dạy học chuyển từ dạy học truyền thụ nội dung sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, sử dụng hiệu quả hệ thống phòng học thông minh. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn các phường, xã. Tham mưu cho UBND TP chỉ đạo quản lý tốt trẻ em theo địa bàn, tăng cường huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường/lớp, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Chuẩn bị các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ em dưới 5 tuổi trong thời gian tới.

Giáo dục Mầm non có nhiều đổi mới và chuyển biến tích cực trong vận dụng, áp dụng phương pháp tiên tiến nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. 100% các trường đều thực hiện phát triển chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm phù hợp với bối cảnh địa phương, áp dụng phương pháp tiên tiến trên thế giới, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa vùng miền. 100% các trường mầm non áp dụng phương pháp STEM trong giáo dục trẻ (các phương pháp Montessori, Reggio Emilia; Glenn Doman). Đặc biệt trong hệ thống các trường mầm non ngoài công lập là những đơn vị tiên phong đi đầu trong đổi mới và áp dụng phương pháp tiên tiến mang tính hội nhập quốc tế và khu vực như: Mầm non DongSim, Mầm non Steame - Hạ Long, Mầm non quốc tế học viện Anh Quốc (UK), Mầm non Quốc tế Hoa Anh Đào Montessori.

Việc xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; đảm bảo an toàn tuyệt đối và toàn diện cho trẻ; tình yêu thương, lòng yêu nghề của giáo viên là nội dung được quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện ở 100% các cơ sở giáo dục mầm non.

Từ kết quả tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp có thể thấy hiệu quả của công tác đổi mới này: Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 96,3%. Duy trì tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp hằng năm đạt từ 99,9% trở lên. Duy trì tỷ lệ 100% trẻ được ăn bán trú, học 2 buổi/ngày, được đánh giá cân nặng, chiều cao trên biểu đồ tăng trưởng theo quy định. Duy trì tỷ lệ 100% trẻ được đánh giá sự phát triển theo quy định. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi luôn duy trì dưới 1%, tỷ lệ trẻ béo phì vẫn đang được khống chế.

Với bậc Giáo dục Tiểu học, bộ phận chuyên môn Phòng GD-ĐT tiếp tục hướng dẫn các trường điều chỉnh nội dung, yêu cầu các môn học và hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của mỗi nhà trường; tích cực đổi mới phương pháp, các hình thức tổ chức dạy học... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kích thích sự đam mê, tìm tòi, khám phá của học sinh; tổ chức hiệu quả sinh hoạt chuyên môn trong trường và giữa các cụm trường; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học; tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, sử dụng có hiệu quả phần mềm, thiết bị dạy học hiện đại, phòng học thông minh được trang cấp; cập nhật hồ sơ điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ nghiêm túc, đảm bảo khách quan; Thực hiện hiệu quả hoạt động dạy học hòa nhập học sinh khuyết tật, tự kỷ; Thực hiện tốt công tác bán trú, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà trường.

Giờ học đầy sáng tạo tại trường tiểu học Trần Quốc Toản

Tổng số trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tổng số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đạt 99,12%. Kết quả học tập các môn học và hoạt động giáo dục: Hoàn thành và hoàn thành tốt đạt tỉ lệ 99,3%; Chưa hoàn thành tỉ lệ 0,7%.

Còn ở bậc Giáo dục Trung học cơ sở, các trường rà soát, cập nhật và điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt (trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của từng cấp học, thời lượng của mỗi tiết học); rà soát điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu. 100% các trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đạt hiệu quả; chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, rà soát, sắp xếp lại các nội dung trùng lặp trong các môn học, thay đổi các thông tin cũ trong SGK bằng các thông tin từ năm 2016 theo nguồn từ Cục thống kê Việt Nam.

Trường THCS Trọng Điểm, ngôi trường giàu truyền thống học tập và rèn luyện

Cùng với đó, các nhà trường chú trọng giáo dục truyền thống; giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống; các vấn đề về xã hội, thực hành pháp luật; thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, giáo dục Quốc phòng an ninh, tình hình biên giới, hải đảo; tổ chức các hoạt động trải nghiệm... 100% các trường THCS từng bước tổ chức Giáo dục STEM, đưa phương thức Giáo dục STEM vào các tiết học chính khóa trên nguyên tắc: dạy học tích hợp liên môn, học thông qua hành; tổ chức hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. 100% các trường có cấp THCS thực hiện công tác phân luồng sau trung học cơ sở đạt hiệu quả thông qua hoạt động tư vấn: Cùng bạn chọn nghề cho tương lai; năm học 2018-2019 số học sinh sau tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề là 11%, tăng 2,6% so với năm học trước. Các Câu lạc bộ “Em làm hướng dẫn viên du lịch”; câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, giáo dục theo phương thức STEM, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, mỹ thuật được thành lập ở nhiều trường có cấp THCS, góp phần phát triển năng khiếu và hướng nghiệp cho học sinh.

Phòng GD-ĐT thành phố cũng đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp cơ sở về giáo dục hình thành cho học sinh THCS thành phố Hạ Long các phẩm chất năng lực của người dân vùng du lịch. Tổ chức thành công các cuộc thi, hội thi như: Hội thi Giáo viên dạy giỏi; Kỳ thi chọn Học sinh giỏi; Giới thiệu cuốn sách em yêu; Nghiên cứu khoa học; Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng; Robocon...

Thực hiện tốt công tác Bồi dưỡng đội ngũ thông qua tổ chức các chuyên đề, tập huấn chuyên môn, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn: Toàn thành phố đã tổ chức: 01 chuyên đề cấp Tỉnh tại THCS Cao Thắng về “Giáo dục STEM trong giảng dạy môn Vật Lý THCS”; 01 chuyên đề cấp Thành phố “về việc sử dụng các thiết bị thông minh trong dạy học”, nội dung báo cáo và thực nghiệm chuyên đề được truyền từ hội nghị trung tâm về các điểm cầu theo hình thức trực tuyến; tổ chức nhân rộng thành công 92 chuyên đề trong đó 62 chuyên đề cấp trường, 39 chuyên đề cấp cụm.

Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học (có 907 tiết học được thực hiện). Kết quả cụ thể: Hàng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,5% trở lên; Học sinh xếp loại hạnh kiểm Tốt, khá đạt tỉ lệ 97% trở lên; Tỷ lệ học lực giỏi, khá đạt tỉ lệ 70% trở lên.

TP Hạ Long khen thưởng các học sinh đạt thành tích cao trong học tập

Để tiếp tục phát huy nhưng kết quả đã có được, trong thời gian tới ngành giáo dục TP quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh, có tính tương tác cao giữa giáo viên và học sinh; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển nhằm nâng cao chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý; tăng cường rà soát, đánh giá, bồi dưỡng theo chuẩn và sắp xếp phù hợp đội ngũ cán bộ , giáo viên, nhân viên để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; Giữ vững danh hiệu lá cờ đầu ngành Giáo dục toàn Tỉnh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của toàn xã hội.

Đỗ Hương

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 30151