75 năm nặng nghĩa tri ân

Với truyền thống “Đền ơn, đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố Hạ Long luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công… Từ đó, góp phần bù đắp những mất mát, thiệt thòi, giúp cho các gia đình chính sách, người có công ổn định cuộc sống.

Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng vạn người con ưu tú của quê hương đất mỏ anh hùng lên đường chiến đấu. Trong số đó có những người con của Thành phố Hạ Long đã hy sinh trên các mặt trận, nhiều người bỏ lại một phần xương máu tại các chiến trường, có những người mang trong mình chất độc hóa học với những di chứng đến tận các thế hệ con cháu.

Hiện nay, thành phố Hạ Long đang quản lý thực hiện chính sách cho gần 14.000 người có công, gần 4.000 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong 5 năm 2017-2022, Quỹ đền ơn đáp nghĩa của Thành phố đã tiếp nhận hơn 9 tỷ đồng, hỗ trợ giúp đỡ hàng trăm lượt người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ gặp khó khăn. Toàn Thành phố không có hộ gia đình chính sách nghèo, 100% số hộ gia đình chính sách có mức sống trung bình và cao hơn mức sống trung bình của người dân ở địa phương. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đầy tình cảm và trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội nên đời sống của người có công trên địa bàn Thành phố không ngừng được nâng cao.

Những năm qua, thành phố đã triển khai hỗ trợ trên 1.400 nhà ở cho người có công và thân nhân liệt sĩ. Riêng giai đoạn 3 đã hỗ trợ xây mới 294 ngôi nhà và sửa chữa 509 ngôi nhà cho gia đình người có công với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng.

Công an thành phố Hạ long cùng Phường Cao Xanh tổ chức lễ khánh thành, trao tặng nhà cho gia đình mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thực 

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thực (khu 7, phường Cao Xanh)có 2 con trai là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với các chính sách chung của tỉnh và nhà nước, cấp ủy, chính quyền phường Cao Xanh luôn quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ cùng gia đình. Đặc biệt, năm nay, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ, phường Cao Xanh đã phối hợp với Công an Thành phố Hạ Long xây tặng mẹ ngôi nhà diện tích hơn 70m2 , tổng kinh phí 650 triệu đồng.

TP gặp mặt người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ

Cũng trong những ngày này, tại các địa phương trong toàn Thành phố đã diễn ra sôi nổi các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công như: Thực hiện cải tạo, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ; thắp nến tri ân, thăm tặng quà, xây mới, sửa chữa nhà cho người có công.

Đoàn đại biểu TP Hạ Long thăm viếng, dâng hương tại Thành cổ Quảng trị

Hòa vào dòng người từ khắp mọi miền đất nước về với Quảng Trị, Hà Tĩnh trong những ngày tháng 7, đoàn đại biểu gồm 130 người của Thành phố Hạ Long do đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố làm Trưởng đoàn, đã tới thăm viếng, dâng hương tại các “địa chỉ đỏ” - nơi hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc như: Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị), Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).

Giữa thời bình, nhưng vẫn có những cựu chiến binh dành trọn tâm huyết để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và đưa các anh về với đất mẹ. Hàng chục năm qua, thương binh Lê Long Triệu, phường Hà Tu, TP. Hạ Long luôn canh cánh tâm sự: làm sao để đi tìm lại những anh em đã bỏ mình nơi chiến trường xưa. Sau nhiều nỗ lực, ông Triệu kết nối được với một số đồng chí cùng đơn vị, thành lập Ban liên lạc T40 đặc công miền tây Nam Bộ, rồi tự bỏ tiền túi trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội đã hy sinh.

Suốt dọc dài đất nước, những Nghĩa trang liệt sỹ giống như những ngôi đền tưởng niệm những người lính đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Tại địa bàn thành phố có 3 nghĩa trang với 707 mộ, trong đó: nghĩa trang liệt sỹ Hà Tu có 467 mộ, nghĩa trang Việt Hưng 162 mộ, nghĩa trang Lê Lợi 78 mộ; 01 đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, 7 nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại các xã phường. Từ nguồn kinh phí được cấp và xã hội hóa, UBND thành phố đã tiến hành nâng cấp, tu bổ các nghĩa trang với tổng dự toán gần 6 tỷ đồng.

Thành phố dâng hương tại tượng đài các Anh hùng- Liệt sĩ

Trong những năm qua, dù điều kiện còn khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực của mình, nhiều thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã không ngừng vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế và góp sức để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Là người lính phòng không không quân, rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, ông Đặng Văn Thành, bệnh binh 2/3 phường Hà Khánh, TP Hạ Long, luôn quyết tâm vượt khó vươn lên. Năm 2011, ông thành lập doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực san lấp mặt bằng và xây lắp hạ tầng. Hiện nay, công ty tạo việc làm cho 28 lao động, mức lương trung bình khoảng 8.000.000đ/tháng.

Từng trải qua 8 năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, trở về với đời thường, ông Phạm Khắc Thoảng, bệnh binh hạng 3/3 xã Sơn Dương, TP Hạ Long luôn khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế. Những năm 2010, khi có chính sách chuyển đổi ruộng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, ông đã phát triển vườn nhà thành trang trại trồng ổi, cam và các loại bưởi, cho thu nhập cao.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố Hạ Long cùng các ban ngành đoàn thể chính trị xã hội và UBND các xã, phường trên địa bàn đã làm tốt công tác chăm sóc người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm thực hiện tốt hơn nữa các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Hằng năm, cứ mỗi dịp 27/7, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hạ Long lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh đã hy sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Và chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng: Các đồng chí thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, gia đình liệt sĩ tiếp tục giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh để không ngừng cải thiện đời sống gia đình, đóng góp cho quê hương, đất nước, trở thành những công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, là niềm tự hào mãi mãi và tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Hồng Phương

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 33616