Cho những cánh rừng mãi xanh

Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước đã ban hành nhiều chính sách hiệu quả để phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết số 337 đã từng bước đi vào thực tiễn, tạo sức lan tỏa tại nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để phát triển lâm nghiệp, đưa ngành kinh tế này trở thành mũi nhọn, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng “xanh” của tỉnh.

CV

Nhân dân xã Dân Chủ (TP Hạ Long) tích cực tham gia trồng rừng gỗ lớn.

Nhân rộng cánh rừng gỗ lớn

Là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, với 150.000ha rừng sản xuất, TP Hạ Long có điều kiện thổ nhưỡng rất thích hợp để phát triển các loại cây gỗ lớn. Ngay khi Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND được ban hành, việc trồng cây gỗ lớn tại TP Hạ Long đã được đẩy mạnh triển khai. Các xã, phường có rừng tích cực vận động người dân đăng ký trồng rừng gỗ lớn, với các giống chủ yếu là lim, giổi, lát...

Đến xã Dân Chủ (TP Hạ Long) thời điểm này, những khoảnh đồi trồng bạt ngàn keo trước đây đã dần được chuyển đổi, phủ xanh bằng những loại cây gỗ lớn, cây bản địa như giổi, dè vàng, dè đỏ… Đó là sự nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, cũng như thay đổi trong nhận thức của chính nhân dân nơi đây.

Diện tích dổi, dè vàng, dẻ đỏ do cán bộ, nhân dân xã Dân Chủ trồng và chăm sóc, sau 1 năm đã phát triển tốt

Diện tích giổi, dè vàng, dẻ đỏ, do cán bộ, nhân dân xã Dân Chủ (TP Hạ Long) trồng và chăm sóc, sau 1 năm đã phát triển tốt.

Ông Đinh Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Dân Chủ, cho biết: Dân Chủ có trên 2.400ha rừng, trong đó có 860ha rừng sản xuất, chủ yếu là trồng keo. Tuy nhiên cây keo sau khi trồng 1-2 vụ đã dần bộc lộ nhược điểm như khả năng giữ nước mặt và nước ngầm kém, gây bạc màu đất nhanh… Trước thực tế đó, bám sát định hướng của tỉnh và thành phố, xã đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi dần một số diện tích trồng keo sang trồng các loại cây gỗ lớn, cây bản địa. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký trồng lim, giổi, trám… Cán bộ, đảng viên trong xã cũng đồng hành cùng nhân dân dọn thực bì, cuốc hố, trồng cây và chăm sóc cây sau khi trồng. Nhờ đó, diện tích trồng rừng gỗ lớn ở xã ngày càng được mở rộng.

Năm 2022, theo kế hoạch, Dân Chủ sẽ thực hiện trồng 20ha cây gỗ lớn, chủ yếu là giổi, lim, trám. Đến thời điểm này, xã đã trồng được khoảng 19ha. Kinh phí mua cây giống và phân bón từ nguồn ngân sách xã. Nhiều hộ còn chủ động đăng ký trồng cây gỗ lớn, đến nay đã có 7 hộ đăng ký trồng trên diện tích khoảng 40ha.

Ký cam kết triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn

TP Hạ Long tổ chức hội nghị ký cam kết triển khai thực hiện chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn

Xã Lê Lợi ra quân trồng cây gỗ lớn

Xã Lê Lợi (TP Hạ Long) ra quân trồng cây gỗ lớn

Không riêng Dân Chủ, các xã, phường có rừng trên địa bàn TP Hạ Long đã tập trung đẩy mạnh thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Đến hết năm 2021, trên địa bàn TP Hạ Long đã trồng được 144ha rừng gỗ lớn, với 64 hộ dân tham gia. Tổng số tiền hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND là 1,5 tỷ đồng. Năm 2022, trên địa bàn thành phố tiếp tục có 113 hộ dân đăng ký tham gia trồng rừng gỗ lớn với diện tích chuyển đổi là 238ha. Đến hết quý I/2022, 34ha lim, giổi, lát đã được trồng. Cùng với đó, UBND TP Hạ Long đã phê duyệt phương án sản xuất của 10 xã, phường, với 159 chủ rừng hộ gia đình, cá nhân tham gia, trên tổng diện tích hơn 335ha.

Tương tự, sau khi Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND có hiệu lực, huyện Ba Chẽ đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc. Huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách lâm nghiệp, hướng dẫn các chủ rừng đăng ký tham gia và lập phương án sản xuất phát triển rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đồng thời, thành lập Hội đồng thẩm định phương án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp cấp huyện và thành lập các tổ thực hiện chính sách cấp xã… Đến nay, huyện đã thực hiện được 67 cuộc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa và cây dược liệu; biên soạn 2.000 cuốn sổ tay hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết.

zxc

 Lãnh đạo huyện Ba Chẽ kiểm tra cây lát giống trước khi người dân trên địa bàn trồng

Ngay từ đầu năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động ban hành kế hoạch thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Trong đó, phân công lãnh đạo và cán bộ, công chức phụ trách đến từng thôn, bản, gắn với kiểm điểm trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao hằng tháng, quý, năm. Đồng thời, tổ chức hội nghị ký cam kết giữa chủ tịch UBND xã, thị trấn với bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu trên địa bàn về triển khai trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, cây dược liệu.

Trong năm 2021, Ba Chẽ đã triển khai hỗ trợ phát triển rừng trồng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa cho 170 hộ, với diện tích 279,8ha, tổng kinh phí hỗ trợ đạt trên 3,5 tỷ đồng. Trong đó, số hộ đã vay vốn uỷ thác qua Ngân hàng CSXH huyện là 47 hộ, tổng kinh phí đã giải ngân đạt hơn 1,9 tỷ đồng. Năm 2022, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng triển khai phương án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp cho 462 hộ, tổng diện tích trên 900ha. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ đạt trên 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Chẽ đã phê duyệt 8 phương án hỗ trợ sản xuất lâm nghiệp, với 462 hộ dân tham gia trên tổng diện tích hơn 900ha; trong đó tập trung vào các loài quế, giổi xanh, lim xanh, thông mã vỹ, thông nhựa và giổi xanh ghép.

mô hình trồng kết hợp lim, quế, dược liệu của người dân xã Thanh Sơn BC

Mô hình trồng kết hợp lim, quế, dược liệu của người dân xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ).

Ông Triệu Quý Tài đang chăm sóc đồi quế mới trồng

Ông Triệu Quý Tài (thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) chăm sóc đồi quế mới trồng

Để lâm nghiệp phát triển bền vững

Sau hơn 1 năm thực hiện đã cho thấy Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các địa phương đã vào cuộc rất kịp thời, từ việc chủ động bố trí nguồn cây giống, đến tổ chức khảo sát hiện trường, nhu cầu để đảm bảo kịp thời vụ, cho đến trồng mới trên thực địa… Với những nỗ lực của các cấp, ngành và địa phương, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn Quảng Ninh đến thời điểm hiện nay đã đạt hơn 4.300ha, bằng 34% kế hoạch (12.758ha).

Tính đến ngày 13/5, toàn tỉnh đã trồng được 849ha lim, giổi, lát, bằng 34% kế hoạch UBND tỉnh giao và bằng 31,8% so với mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Các cơ sở chế biến lâm sản phát triển và mở rộng về quy mô, công suất, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến tinh, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp chuyển biến theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn. Giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích và năng suất trồng rừng được cải thiện. Nhiều hộ dân đã thay đổi nhận thức dần chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là nghị quyết đặc biệt quan trọng, thiết thực và ý nghĩa, thực sự đi vào cuộc sống nhân dân, là nguồn lực to lớn để khuyến khích gia tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa. Qua đó giúp các chủ rừng trên địa bàn huyện có thêm sự chủ động và quyết tâm trong đầu tư sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, tạo động lực thúc đẩy gia tăng giá trị rừng trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên rừng tại địa phương. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 337 trên địa bàn huyện đã huy động được sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lan tỏa sức mạnh tinh thần, tuyên truyền, vận động người dân, nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn. Với những tín hiệu tích cực bước đầu, chắc chắn đến năm 2025, huyện Ba Chẽ sẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của tỉnh.

2 hình trên là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Tiên Yên trồng giổi ở Hà Lâu

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên triển khai thực hiện mô hình trồng giổi tại xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên

Việc chuyển đổi từ trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn tại các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng được đẩy mạnh và tạo được sự hưởng ứng, đồng thuận lớn từ nhân dân. Những cánh rừng gỗ lớn, rừng lâu năm đã và đang ngày càng được nhân rộng. Từ đây, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ sinh thái và môi trường tự nhiên bền vững; đồng thời sẽ là động lực để tỉnh phát triển kinh tế xanh, bền vững…

"Gia đình tôi có hơn 9ha rừng, trước đây chủ yếu trồng keo. Năm 2021, sau khi thu hoạch 3ha keo đến tuổi, tôi nhận thấy việc trồng keo đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh thái và đất đai. Được cán bộ xã vận động, hướng dẫn trồng cây gỗ lớn, tôi và nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng quế. Tôi thấy đây là biện pháp rất hiệu quả để bảo vệ và phát triển rừng." - Ông Triệu Quý Tài (thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long), chia sẻ.

Đoàn công tác kiểm tra mật độ, diện tích cây gỗ lớn của người dân xã Thanh Sơn trong thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 337 của HĐND tỉnh.

Đoàn công tác của Sở NN&PTNT kiểm tra mật độ, diện tích cây gỗ lớn của người dân xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) trong thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 337 của HĐND tỉnh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song việc thực hiện chính sách lâm nghiệp theo Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như chính sách chưa được áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh; chưa có cơ chế khuyến khích các chủ rừng có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn lực dồi dào tham gia phát triển rừng gỗ lớn, cây bản địa. Thành phần loài cây trồng rừng gỗ lớn chưa đa dạng, phong phú. Kết quả thực hiện chính sách chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ chưa đạt kỳ vọng. Một số vấn đề bất cập trong hoạt động quản lý và sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay chưa được giải quyết triệt để… Chính vì vậy, việc bổ sung, điều chỉnh Nghị quyết 337 để đáp ứng yêu cầu, tình hình mới là điều hết sức cần thiết.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Minh Sơn khẳng định: Việc sớm ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND sẽ góp phần tạo cơ chế, hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực thi chính sách để hoàn thành các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; khuyến khích các chủ đầu tư trồng rừng gỗ lớn; thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp xanh; kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm lâm sản theo chuỗi có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương trên toàn tỉnh.

Theo Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 8706