Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, đang có diễn biến phức tạp trên cả nước. Tại TP Hạ Long tính từ đầu năm tới nay đã ghi nhận trên 220 ca mắc, cao nhất trong các địa phương của tỉnh. Đặc biệt, 3 tuần gần đây ghi nhận số ca mắc tăng cao và phát hiện ổ dịch tại các phường Bãi Cháy, Hồng Hải, Cao Thắng.
Sốt xuất huyết được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, khả năng lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh.
Năm nay, mặc dù đã vào tháng 11 (thời điểm mà hàng năm số ca mắc sốt xuất huyết đã hầu như không còn) nhưng số người nhập viện do bệnh này vẫn có chiều hướng gia tăng. Theo nhận định của ngành Y tế, dịch sốt xuất huyết năm nay diễn biến phức tạp, bất thường hơn mọi năm. Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.
Cán bộ y tế của CDC Quảng Ninh và Trạm y tế phường Hồng Hải giám sát, kiểm tra sự sinh sôi muỗi, loăng quăng tại phường khu 7, Hồng Hải
Trước diễn biến trên, Trung tâm Y tế TP Hạ Long, Phòng Y tế Thành phố và các phường, xã của Thành phố đã tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết đặc biệt là tại các khu vực có ổ dịch như: Bãi Cháy, Cao Thắng, Hồng Hải. Cùng với đó đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch sốt xuất huyết, kiểm tra, loại trừ ổ chứa lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi xung quanh gia đình…
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, để đẩy lùi được bệnh sốt xuất huyết thì sự vào cuộc của người dân và mỗi gia đình là vô cùng quan trọng. Người dân nên thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, diệt bọ gậy ở bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch…
Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là trị triệu chứng và theo dõi dấu hiệu. Vì vậy, khi bệnh nhân có các dấu hiệu như: Xuất huyết răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh... cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Hiện dịch sốt xuất huyết vẫn còn đang diễn biến phức tạp, vì vậy để dịch không bùng phát rất cần sự chung tay, vào cuộc của người dân trong phòng chống, đặc biệt là thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế trong việc diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn chống muỗi đốt.
Thu Hường
Tin tức khác
- Tăng cường ra quân nhắc nhở người dân vượt rào, tắm biển tại những nơi nguy hiểm
- Ngày đầu vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp: chính quyền sẵn sàng, nhân dân kỳ vọng.
- Cán bộ và nhân dân phường Hồng Gai đã tham dự trực tuyến Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
- Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất
- Thường trực Thành ủy giao ban công tác tuần từ 9/6-15/6/2025