Chuyến xe chở đầy yêu thương!

Kỳ Thượng, nơi cách xa trung tâm thành phố Hạ Long 60 km. Xã thuộc miền núi có địa hình đường núi dốc, quanh co nên đi lại còn gặp nhiều khó khăn; dân số đa phần là đồng bào dân tộc ít người Dao Thanh Phán, người dân sống phân bố không đồng đều, rải rác nên việc phát triển kinh tế xã hội, giáo dục luôn gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, vẫn có những con người thầm lặng gắn bó và cống hiến cho mảnh đất đầy gian khó ấy. Họ đến với Kỳ Thượng bằng những chuyến xe chở đầy yêu thương!

Dù nắng hay mưa, dù rét cắt thịt hay nóng đỏ lửa, thì thứ 2 hằng tuần có một chuyến xe vẫn đều đặn, đúng giờ 07h00 có mặt tại cổng trường Kỳ Thượng. Tuyến đường đang được thi công, những ngày mưa việc đi lại càng trở lên vất vả hơn rất nhiều. Bùn đất bám vào lốp xe gây trơn trượt khó khăn trong việc di chuyển. Đó là những chuyến xe mà bà con dân bản ở Kỳ Thượng gọi bằng cái tên trìu mến:  “chuyến xe chở đầy yêu thương”, chuyến xe đưa đón các thầy cô giáo lên công tác giảng dạy cái chữ cho trẻ em và học sinh ở xã Kỳ Thượng.

 Con đường lên Kỳ Thượng trơn trượt những ngày mưa phùn

Thời điểm hiện tại, có 26 thầy cô giáo đang thực hiện nghĩa vụ giảng dạy trên địa bàn xã. Các thầy cô tạm gác những công việc riêng, tạm biệt những gia đình nhỏ, đảm nhận nhiệm vụ tổ chức phân công. Với tình yêu nghề, yêu trò muốn mang chữ, hành trang tri thức đến với học sinh, các thầy cô đã quyết tâm mang sự đổi mới và mang tương lai tươi sáng đến các em nhỏ nơi bản Thượng còn khăn khó. Tình yêu đó đã vun đúc, tạo khí thế, động lực cho phong trào học tập, rèn luyện và thi đua hăng hái sôi nổi của thầy trò nơi đây. Được chăm chút thể hiện rõ rệt ở cả 3 cấp học: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục Trung học cơ sở trong những năm qua đã gặt hái được nhiều thành công…

 Các thầy cô tổ chức Tết cho các con

Gắn bó, yêu thương Kỳ Thượng, mỗi thầy, mỗi cô đều có rất nhiều những câu chuyện kỷ niệm với mảnh đất, con người nơi miền cao vất vả này. Như tâm sự của cô giáo Lê Thị Liên, giáo viên bộ môn tiếng Anh, kiêm dạy thêm môn thể dục và mỹ thuật, do bản thân say xe ô tô nên cô thường xuyên đi từ nhà đến trường bằng xe máy, xuất phát từ 05h00 sáng khi trời còn tối để đến trường kịp lên lớp. Có hôm đường dốc trơn, trượt mặc dù đã phanh xe nhưng cả người và xe vẫn lao xuống rãnh nước. Bản thân cô chia sẻ tuy vất vả là vậy nhưng cô vẫn mang đến những tiết học Anh ngữ đầy thú vị, bổ ích và mong muốn các em sẽ học thật tốt tiếng Anh sau này để có nhiều cơ hội và đi làm tốt hơn.

Hay như thầy Nguyễn Đức Hùng, Hiệu trưởng trường TH&THCS Kỳ Thượng, người đã từng có nhiều năm gắn bó với các trường học vùng cao, vùng xa. Thầy chia sẻ về kỷ niệm khó quên trong thời gian công tác tại xã Kỳ Thượng, đó là vào năm 2022. Lần ấy, thầy trò nhà trường đã chuẩn bị tốt để chào mừng năm học mới thì cơn bão Ma-on đổ bộ, làm đất đá từ trên đồi tràn xuống đầy sân trường. Nhìn sân trường mà trước đó không lâu đã được dọn dẹp, trang trí đẹp đẽ, nay đầy bùn đất, các thầy cô không khỏi xót xa, buồn bã. Nhưng lúc đó, bà con trong xã cũng đến an ủi và cùng các thầy cô dọn dẹp. Họ động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt do thiên tai gây ra và cả những khó khăn của một vùng đất xa xôi. Vậy mà, mọi việc cũng dần qua. Ngôi trường lại tràn đầy khí thế đón chào năm học mới trong niềm hân hoan của những em nhỏ khao khát tới trường.

 Hậu quả của cơn bão Ma-on gây ra cho thầy trò nhà trường

Rồi còn cả việc gặp phải rào cản ngôn ngữ của đồng bào, học sinh lúc đầu e dè với các thầy cô, hay đội ngũ giáo viên thiếu, không đủ giáo viên bộ môn, nên các thầy cô phải kiêm thêm giảng dạy, cuộc sống vật chất và tinh thần đều thiếu thốn... nhưng bằng tình yêu nghề, yêu trẻ các thầy cô luôn dạy dỗ các con bằng sự nhiệt huyết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, trồng người. Những việc làm ấy, khiến chúng ta nhớ tới lời Bác Hồ: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Những nỗ lực, cố gắng của các thầy các cô đã không vô ích, nhiều quả ngọt đã được gặt hái! Nhiều năm, trường Mầm non và trường TH&THCS Kỳ Thượng đều đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, nhận 2 bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh; 01 cờ thi đua của UBND tỉnh dẫn đầu khối các trường liên cấp năm học 2020 - 2021. Lần đầu tiên học sinh xã Kỳ Thượng đạt giải ở kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cũng là lần đầu tiên học sinh Kỳ Thượng có giải học sinh giỏi văn hoá. Các em còn đem về Kỳ Thượng nhiều thành tích trong các cuộc thi như: họa mi vàng, điền kinh, viết chữ đẹp, khu nội trú, an toàn giao thông, giáo viên giỏi, kĩ năng sống, văn hoá đọc, ngày hội sách…

Thầy trò nhà trường gặt hái nhiều thành quả

 Thiết thực hơn cả là đã có nhiều em học sinh học giỏi hơn, đạt nhiều thành tích nổi bật trên các mặt học tập, rèn luyện, ở nhà trở thành con ngoan lễ phép đó là những cảm nhận của phụ huynh và người dân từ khi có các chuyến xe chở đầy yêu thương lên Kỳ Thượng.

Kỳ Thượng, đang từng ngày đổi thay mạnh mẽ. Trong sự chuyển mình đó, mỗi người dân nơi đây đều cảm nhận được có sự vun đúc, yêu thương của những con người thầm lặng. Đó không chỉ là các thầy cô giáo tâm huyết, mà còn có những cán bộ, công chức, viên chức cần mẫn, những chiến sỹ công an nhân dân tận tụy, hết mình. Mỗi người một phần việc, một sứ mệnh, lặng lẽ cống hiến, dành sức lực và tình cảm của mình cho Kỳ Thượng thân yêu!

Nguyễn Đức Thanh (Xã Kỳ Thượng)

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 19040