Di tích nghệ thuật tôn giáo chùa Yên Mỹ
Chùa Yên Mỹ (xã Lê Lợi, TP Hạ Long), còn được gọi là "Phúc Khánh Tự". Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo cổ kính, được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Chùa Yên Mỹ
Chùa Yên Mỹ, tọa lạc trên một gò đất cao, quay hướng Nam, hướng của Phật pháp. Tục truyền, chùa xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Đến thời nhà Nguyễn, năm Tự Đức thứ 8, cai phó tổng hương lý dịch cùng với nhà sư trụ trì chùa Yên Mỹ tiến hành sửa lại nhà thờ hậu. Đến năm Thành Thái thứ 16, chùa tiếp tục được tu sửa. Chùa tu bổ một lần nữa vào năm Bảo Đại thứ 6. Thời hiện đại, chùa đã tu sửa lại nhiều lần và xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình. Nhà thờ tổ xây năm 2003, năm 2006 xây khu vực nhà thờ mẫu, năm 2015 đã xây dựng và mở rộng thêm 1 hecta diện tích để có không gian tổ chức lễ hội cùng giỗ tổ của chùa. Năm 2021, chùa xây dựng Tổ đường.
Gác chuông tại chùa Yên Mỹ
Hiện nay, chùa có kiến trúc gồm chùa chính (tòa Tam bảo) có hình chữ Đinh, tòa tiền đường gồm 3 gian, 2 hồi bít đốc, phía sau có hậu cung gồm 2 gian. Hệ thống tượng Phật tại chùa đặc sắc với gồm 25 pho tượng gỗ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn bài trí thờ tự phía bên trong hậu cung. Thứ tự thờ tự bày trí hài hoà. Nhìn từ dưới lên, cấp 1 là tôn tượng Thích Ca sơ sinh, phía sau là tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng Tôn giả A Nan và tượng Tôn giả Ca Diếp. Cấp thứ 2 là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, một tượng Quan Âm Bồ tát và Quan Âm Thị Kính. Cấp thứ 3 là tượng sư Diệu Hương, hai bên là tượng Pháp Hoa Lâm và Đại Thế Chí Bồ tát. Phía sau là tượng Ngọc Hoàng cùng Nam Tào – Bắc Đẩu. Cấp bậc thứ 4 là tượng Tôn giả A Nan, hai bên là tượng Quan Âm Tọa Sơn và Quan Âm Nam Hải. Cấp thứ 5 là 3 pho tượng được bái trí tượng Thích Ca giáo chủ ở giữa hai pho Tôn giả A Nan đặt ở hai bên. Cấp bậc cao nhất thờ 3 tượng Tam thế Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ngoài ra, chùa còn có nhà thờ mẫu (bên trái), nhà Tổ (phía đỉnh đồi) và nhà Tứ ân với 3 gian thờ vong, cùng khuôn viên tam quan, hồ sen, nhà sắp lễ, nhà khách, gác chuông, gác trống, bãi đỗ xe kết hợp rất hài hòa.
Trong khuôn viên chùa còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của chùa. Trong đó có 1 bia đá, niên đại Tự Đức thứ 7 (1854). Theo nội dung văn bia, bà Đồng Thị Điều là người dân của làng, có lòng sùng Phật, đã dùng 30 quan tiền, ba sào ruộng cúng cho nhà chùa vĩnh viễn. Sau khi bà mất, dân làng đã theo lệ Hậu Phật và tạc tượng bà đưa vào chùa để thờ.
Phật tử sinh hoạt tín ngưỡng tại chùa Yên Mỹ
Hàng năm, chùa tổ chức các ngày lễ gắn với lịch sử và lịch Phật giáo, bao gồm các ngày: giỗ Đức Ông, Đức Di Lặc, lễ Đức Phật Thích Ca xuất gia, lễ Phật Thích Ca nhập Niết bàn, lễ Đức Quan Thế Âm Bồ tát, lễ Đức Phổ Hiền Bồ tát, giỗ Mẫu, lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ giỗ Cha, lễ vía Phật A Di Đà, lễ Tất niên.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Yên Mỹ không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc, nơi diễn ra các hoạt động cách mạng.
Năm 1999, tỉnh Quảng Ninh đã xếp hạng chùa Yên Mỹ là di tích cấp tỉnh
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật, năm 1999, tỉnh Quảng Ninh đã xếp hạng chùa Yên Mỹ là di tích cấp tỉnh, thuộc loại hình di tích văn hóa nghệ thuật. Hiện chùa vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa, phục vụ đời sống tâm linh của đông đảo người dân địa phương cũng như là du khách thập phương.
Hồng Phương, Lương Huấn
Tin tức khác
- Tăng cường ra quân nhắc nhở người dân vượt rào, tắm biển tại những nơi nguy hiểm
- Ngày đầu vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp: chính quyền sẵn sàng, nhân dân kỳ vọng.
- Cán bộ và nhân dân phường Hồng Gai đã tham dự trực tuyến Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
- Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất
- Thường trực Thành ủy giao ban công tác tuần từ 9/6-15/6/2025