Đưa Nghị quyết 78-NQ/TU bén rễ vào cuộc sống
5 năm sau khi mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập thêm huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long nói chung và các xã vùng cao của Thành phố đã có sự thay đổi, phát triển đáng kể. Song nhìn một cách tổng thể sản xuất và đời sống kinh tế - xã hội ở các xã vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại và khoảng cách rất lớn so với khu vực thành thị. Với mục tiêu khơi thông điểm nghẽn về phân bổ nguồn lực, giảm dần chênh lệch vùng miền, mở rộng hướng phát triển về khu vực phía Bắc, giữ vững tiêu chí đô thị loại I, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, ngày 02/01/2024, BTV Thành ủy Hạ Long đã ban hành Nghị quyết số 78-NQ/TU về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua hơn nửa năm triển khai thực hiện, từ “đòn bẩy” và những cơ hội mới mà Nghị quyết mang lại, cùng sự chủ động, tích cực của cấp uỷ, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc chung tay góp sức của nhân dân, nông thôn miền núi của TP Hạ Long đang khởi sắc từng ngày.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND Thành phố đã xây dựng và phê duyệt Đề án ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các xã trên địa bàn thành phố Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cở sở đó, các xã cũng đã thực hiện xây dựng Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; rà soát, điều chỉnh, cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển của Thành phố.
Với quan điểm ưu tiên hợp lý nguồn lực tập trung đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, kết nối các xã với khu vực đô thị, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp, lấy đô thị dẫn dắt nông thôn để tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng nông thôn, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được Thành phố và các xã triển khai, mang lại những kết quả khả quan ban đầu.
Dồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn
Năm 2024, xã Sơn Dương được đầu tư 10 công trình hạ tầng nông thôn theo Nghị quyết 78, trong đó có 8 công trình là các tuyến đường giao thông trục chính của các thôn và 2 công trình mương thoát nước, tưới tiêu, sản xuất. Tổng vốn đầu tư các công trình là gần 50 tỷ đồng.
Nhiều tuyến đường như tuyến đường trục chính thôn Đồng Đạng được đầu tư, xây dựng mang lại diện mạo khang trang cho các xã nông thôn của TP Hạ Long.
Tuyến đường trục chính thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương là một trong số các công trình vừa được xã hoàn thành đầu năm 2024. Tuyến đường có chiều dài trên 814m, rộng từ 5,5m, 2 bên lề đường có bồn hoa, cây cảnh, kết cấu mặt đường bê tông xi măng dày 0,2m, có hệ thống chiếu sáng đồng bộ theo tiêu chuẩn đô thị. Công trình có tổng mức đầu tư trên 8,4 tỷ đồng. Con đường hoàn thành đã làm thay đổi căn bản diện mạo của thôn Đồng Đạng, cuộc sống sinh hoạt, đi lại của người dân đã vơi bớt khó khăn. Đồng chí Hoàng Văn Long, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đồng Đạng cho biết: Từ khi có đường mới, bà con nhân dân rất phấn khởi. Chủ nhật nào nhân dân cũng tổ chức vệ sinh môi trường, nhổ cỏ, trồng và chăm sóc các cây hoa để con đường và thôn thêm sạch đẹp.
Với mục tiêu đầu tư hệ thống giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, định hướng phát triển đô thị ngay trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn , năm 2024, Thành phố đã dành gần 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để đầu tư các hạng mục công trình hạ tầng nông thôn tại 12 xã, gồm: 4 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt cho các xã với trên 228 tỷ đồng; các xã đăng ký triển khai thực hiện 45 dự án công trình hạ tầng với gần 327 tỷ đồng; lập 110 đồ án quy hoạch với kinh phí 28,5 tỷ đồng. Đến nay, các xã đã tổ chức thi công 38 công trình, giải ngân trên 64 tỷ đồng (đạt 79% kế hoạch vốn cấp năm 2024). UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chung đối với 10 xã và giao các xã chủ động tổ chức lập quy hoạch chi tiết để thu hút đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp. Các xã cũng đã thực hiện tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, mở rộng đường, mở rộng vùng sản xuất đối với các giống cây ăn quả, cây dược liệu có giá cao. Nhờ được đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất nên diện mạo và chất lượng cuộc sống của người dân các xã nông thôn được nâng lên đáng kể.
Nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân
Các khu vực nông thôn, miền núi của Thành phố Hạ Long đều có thế mạnh về thiên nhiên, cảnh quan môi trường, khí hậu, cùng với đó là những nét đẹp về văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc được lưu giữ, phát huy. Khai thác các tiềm năng sẵn có này, loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái đang được các doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển. Hướng đi mới này đã góp phần quan trọng phát huy những giá trị văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển bền vững ngành du lịch và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân bản địa.
Khu du lịch trải nghiệm của gia đình ông Ân Văn Kim, thôn Đồng Đạng, xã Sơn Dương đang vào mùa hút khách. Khách tới đây vừa được tận tay hái ổi, mua ổi vừa được câu cá, chụp ảnh cùng hoa sen. Gia đình ông Kim là một trong nhiều hộ dân tại đây sản xuất ổi Đài Loan theo mô hình Việt Gap để nâng cao chất lượng, giá trị của trái ổi. Hiện toàn thôn trồng ổi trên diện tích khoảng 80ha, sản lượng khoảng 10 tần/ha/năm. Không dừng lại ở việc trồng cây bán quả, ông Kim và những người dân đang từng bước phát triển du lịch gắn với thương hiệu ổi Hoành Bồ, hình thành nên những điểm du lịch trải nghiện nông thôn độc đáo. Mô hình hiện đang đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm cho gia đình ông Kim.
Cây sâm nam có giá trị kinh tế cao đang được đưa vào trồng tại một số xã của Thành phố Hạ Long theo mô hình liên kết sản xuất.
Với định hướng xây dựng khu vực các xã vùng cao của Thành phố Hạ Long thành vùng trồng cây dược liệu lớn, sản xuất hàng hóa tập trung nhiều mô hình kinh tế theo chuỗi liên kết sản xuất bước đầu đã được đưa vào triển khai trên địa bàn. Nổi bật như mô hình liên kết trồng sâm nam và sâm cát của Công ty TNHH đầu tư phát triển CMT với hợp tác xã Đồng Vang và các hộ dân thuộc thôn 2 xã Dân Chủ. Ở mô hình này, HTX Đồng Vang sẽ góp vốn sản xuất cùng với Công ty THHH đầu tư phát triển CMT, các hộ dân sẽ trồng và chăm sóc cây trên đất của mình cho đến khi được thu hoạch. Công ty sẽ chịu trách nhiệm chế biến, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Lợi ích chia theo thỏa thuận. Anh Vi Văn Việt, thôn 2, xã Dân Chủ cho biết: Các hộ nông dân tham gia mô hình đều đã có sự chuẩn bị về kiến thức trồng, chăm sóc cây sâm, thấy được lợi ích và đã sẵn sàng tham gia mô hình liên kết.
Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế địa phương và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, Thành phố đã và đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì và mở rộng các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng ổi, mía tím, dưa hấu tại xã Sơn Dương, trồng na ở xã Thống Nhất, địa liền, gừng gió ở xã Đồng Lâm, trồng sâm nam tại Tân Dân, Kỳ Thượng, trồng tre tại xã Đồng Lâm, chăn nuôi gà tại Đồng Lâm, Đồng Sơn, Bằng Cả...
Việc mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng trồng các loại cây mang lại giá trị cao hơn và thực hiện theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sẽ góp phần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, thúc đẩy ngành trồng trọt phát triển theo hướng hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao và bền vững; giúp cho người dân khai thác triển để được các lợi thế về đất đai để nâng cao thu nhập. Đây sẽ là hướng đi mà Thành phố đang tập trung thực hiện để phát nền kinh tế nông nghiệp, dịch vụ khu vực phía Bắc.
Quan tâm phát triển văn hoá, xã hội, đảm bảo an sinh và an ninh quốc phòng.
Trong 7 tháng năm 2024, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó chú trọng đến các nội dung triển khai thực hiện các danh hiệu xây dựng các danh hiệu: “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”; “Xã, phường tiêu biểu”. Cùng với đó, triển khai lập, trình duyệt chủ trương đầu tư đối với các thiết chế văn hóa gồm: 04 nhà Văn hóa gồm nhà văn hóa thôn Đồng Rùa (xã Vũ Oai), thôn Cây Thị, Đồng Giang, Đồng Vang (xã Sơn Dương); Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã Đồng Lâm; phương án quy hoạch và lập dự án đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình trong Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, gắn với phát triển du lịch.
TP Hạ Long phấn đấu hết năm 2024 thực hiện xong việc xóa mù chữ mức độ 2 cho 100% các xã.
UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức mở các lớp xóa mù chữ trên các xã. Hiện tại, toàn bộ các xã đã khai giảng các lớp xóa mù chữ, phấn đấu hết năm 2024, thực hiện xong việc xóa mù chữ mức 2 cho 100% người dân.
Thành phố đã mở 1 lớp dạy nghề và triển khai kế hoạch thực hiện 3 lớp đào tạo nghề thêu, dịch vụ du lịch; chỉ đạo 12 xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Quảng Ninh, các doanh nghiệp hộ kinh doanh trên địa bàn giải quyết việc làm cho gần 700 lao động đạt 62% kế hoạch. Số lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh là trên 650 người đạt 96% kế hoạch, nâng tổng số lao động tại khu vực 12 xã làm việc tại các cơ sở này đạt trên 16.500 người. Thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh công tác văn hóa, giáo dục, việc đảm bảo môi trường sống, dịch vụ y tế, an sinh xã hội cho người dân cũng được quan tâm thực hiện. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khu vực 12 xã là 43.319 người, đạt 98,8%; hỗ trợ vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội gần 35 tỷ 600 triệu đồng cho 396 hộ dân, đạt 99,9% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tại khu vực 12 xã đến tháng 6/2024 ước đạt 89,54%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 65,65%.
Tình hình an ninh trật tự tại địa bàn 12 xã cơ bản ổn định. Các xã đã duy trì tốt các hoạt động mô hình tự quản về an ninh trật tự; nội bộ Đảng, chính quyền các xã đoàn kết, thống nhất, không có vụ việc khiếu kiện, tranh chấp phức tạp liên quan đến an ninh trật tự và hoạt động tuyên truyền, tán phát tài liệu tôn giáo trái pháp luật. Thực hiện tốt công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự trên địa bàn.
Biến khó khăn thành động lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ
Nghị quyết 78-NQ/TU ngày 02/01/2024 của BTV Thành ủy đang được cấp ủy, chính quyền các cấp từ Thành phố đến các xã tích cực triển khai bằng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, đưa Nghị quyết bám rễ vào cuộc sống. Nông thôn miền núi của Hạ Long đang bừng lên sức sống mới, diện mạo mới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; đến năm 2030, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 100% trục đường liên xã có điện chiếu sáng công cộng và các tiêu chí khác về hạ tầng, kinh tế, xã hội, khối lượng công việc còn rất lớn, đòi hỏi quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt, đổi mới, sáng tạo của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp từ thành phố đến cơ sở và đặc biệt là sự đồng thuận, thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của người dân.
Hội nghị sơ kết thực hiện NQ 78-NQ/TU của BTV Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Vì vậy, một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nâng cao nhận thức, tham gia thực hiện các phong trào, gắn với đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động nhằm khơi dậy tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Cùng với đó tiếp tục chỉ đạo các xã hoàn thiện các quy hoạch khu vực trung tâm xã, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và giải ngân vốn đã cấp; triển khai hỗ trợ người dân đổi mới sản xuất, hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp; tiếp tục thu hút và bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh phân tán, dàn trải. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối khu vực trung tâm TP đến các xã và hệ thống hạ tầng viễn thông. Xây dựng củng cố hệ thống chính trị, củng cố hệ thống quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; gắn phát triển kinh tế xã hội với quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Tin tưởng rằng, với tầm nhìn “vượt trước” cùng quyết tâm chính trị cao “chỉ bàn làm, không bàn lùi" của cấp uỷ chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân trong thực hiện Nghị quyết 78 sẽ tạo ra động lực và đòn bẩy, đưa nông thôn Hạ Long tiến gần thành thị, góp phần thực hiện mục tiêu chung xây dựng TP Hạ Long trở thành Thành phố “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”.
Thu Hường, Trần Khánh
Tin tức khác
- Ngày đầu vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp: chính quyền sẵn sàng, nhân dân kỳ vọng.
- Cán bộ và nhân dân phường Hồng Gai đã tham dự trực tuyến Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
- Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất
- Thường trực Thành ủy giao ban công tác tuần từ 9/6-15/6/2025
- Tập huấn triển khai tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025