Gắn du lịch với bảo vệ giá trị văn hóa bản địa
Nếu như ở trung tâm của TP Hạ Long, các hoạt động tham quan Vịnh, du lịch biển, vui chơi giải trí… đã hấp dẫn du khách từ lâu thì ở các khu vực ven thành phố giờ đây đang hình thành sản phẩm du lịch cộng đồng. Những sản phẩm này không chỉ làm đa dạng, phong phú thêm cho du lịch Hạ Long mà còn tích cực góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa.
Cách trung tâm TP Hạ Long tầm 60km, Khu du lịch Am Váp Farm ở xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long mới được đưa vào hoạt động trên nền tảng văn hóa bản địa với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng địa phương.
Khu du lịch Am Váp Farm ở xã Kỳ Thượng
Hơn 30 nhân công đang làm việc tại đây đều là người dân của 3 thôn thuộc xã Kỳ Thượng. Người thì trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch, người làm bàn, làm bếp, lễ tân, có người thì trong đội xây dựng hoàn thiện khu du lịch.
Xã Kỳ Thượng có 99% người dân là đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán. Bởi vậy, hòa mình vào không gian của khu du lịch, du khách hoàn toàn cảm nhận thấy như đang sống cuộc sống của chính những người dân nơi đây.
Hướng dẫn du khách thêu quần áo của người Dao Thanh Phán
Anh Nguyễn Trung Kiên, thành viên nhóm khởi nghiệp Am Váp Farm, TP Hạ Long, cho biết: “Bên cạnh những danh lam, thắng cảnh, Quảng Ninh còn có một kho báu về truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác hướng đi này chính là cách mà tôi cùng nhóm của mình lựa chọn để làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cho quê hương… Mong muốn của đội ngũ là mang đến một sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, khác biệt cho du khách khi đến với Hạ Long, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa tốt đẹp của các dân tộc, cũng như tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh, xã hội của địa phương.”
Tại đây, khách du lịch sẽ được chìm đắm trong không khí yên bình, trong lành, mát mẻ đặc trưng của vùng núi cao. Đồng thời, trải nghiệm những hoạt động gắn liền với cuộc sống của người dân như: Trồng trọt, sản xuất, chèo thuyền, bơi suối, tham quan rừng trúc, thưởng thức ẩm thực được chế biến ngay tại nông trại. Cùng với đó, du khách cũng sẽ được khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán như: Nghề thêu, lễ cấp sắc, hát đối đáp… Khu du lịch cộng đồng còn trưng bày văn hóa người Dao, quần áo truyền thống, dụng cụ lao động, giới thiệu các phong tục, trải nghiệm đi bộ dưới tán rừng nguyên sinh, ngắm suối, tắm lá thuốc người Dao...
Khai thác lợi thế về những danh lam thắng cảnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tư duy dám nghĩa, dám làm, dám thử nghiệm của nhóm khởi nghiệp Am Váp Farm đã bước đầu có những thành công nhất định với mô hình du lịch cộng đồng. Không chỉ kỳ vọng mang lại thu nhập cho các thành viên, mô hình du lịch cộng đồng còn mở ra một hướng đi mới cho phát triển KT-XH ở cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và TP.
Tham quan dưới những tán rừng
Chị Bàn Thị Hải, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long cho biết: “Làm ở đây khá phù hợp với chị em vì công việc không vất vả lắm, thu nhập cũng đủ chi phí. Chị rất thích công việc này vì vừa được ngồi thêu vừa được giao lưu với khách du lịch, giới thiệu và hướng dẫn khách cách thêu các sản phẩm truyền thống của đồng bào Dao”.
Bà con người Dao Thanh Phán trực tiếp làm du lịch ngay chính thôn bản mình đã đem lại cho du khách những trải nghiệm thực sự thú vị. Mỗi du khách khi được hòa mình với cảnh sắc và nếp sống của người dân nơi đây đều có những ấn tượng riêng.
Để dự án có tính bền vững thì sự hợp tác của cộng đồng dân cư ở đây là rất quan trọng. Vì thế, việc lựa chọn phương án cam kết lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và đảm bảo không phá vỡ giá trị tự nhiên, cảnh quan, môi trường tại khu vực là hết sức quan trọng. Anh Nguyễn Trung Kiên, thành viên nhóm khởi nghiệp Am Váp Farm (TP Hạ Long) cho biết thêm: “Để dự án có tính bền vững thì sự hợp tác của cộng đồng là đặc biệt quan trọng. Chúng tôi lựa chọn phương án cam kết lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và đảm bảo không phá vỡ giá trị tự nhiên, cảnh quan, môi trường tại khu vực. Hiện mô hình đang nhận được sự hợp tác của hơn 30 lao động là người DTTS của địa phương”.
Đốt lửa trại tại Am Váp Farm
Ngành “công nghiệp không khói” không chỉ là động lực kinh tế quan trọng tại các khu vực trung tâm của TP Hạ Long mà đang lan tỏa ở cả những xã, vùng cao, miền núi. Chính sự thay đổi trong nhận thức, tư duy, hành động đã tạo nên những điểm đến hấp dẫn, từ đó hình thành bản đồ du lịch Hạ Long, Quảng Ninh đa sắc màu thay vì chỉ một màu xanh của biển như trước đây. Và đặc biệt, việc góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa cũng chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa đối với ngành Du lịch nói riêng với sự phát triển KT-XH của TP nói chung.
Đỗ Hương – Lương Huấn
Tin tức khác
- Khai giảng lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp cho cán bộ, công chức, viên chức
- UBND phường Cao Thắng tuyên truyền về Bảo hiểm xã hội, lợi ích cho người dân
- Đảng ủy các đơn vị kinh tế tư nhân thành phố: Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025
- Công an xã Bằng Cả xử lý 01 đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản trong nhà dân
- Lan toả Hạnh phúc trong trường học
- Công bố quyết định về công tác cán bộ tại Ban quản lý chợ Hạ Long 1
- BTV Thành ủy họp cho ý kiến xây dựng Hạ Long trở thành "Thành phố Nhiếp ảnh", tổ chức Tuần Di sản vịnh Hạ Long nhân ngày UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới; các hoạt động văn hoá, thể thao du lịch trong quý II/2023
- Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo giả khuôn mặt và giọng nói của người thân Deepfake
- Hạ Long nỗ lực bảo vệ môi trường
- Những bài học kinh nghiệm từ Mô hình An ninh cơ sở phường Hồng Gai
- Đảng bộ phường Hồng Gai: Kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp
- Tổ công tác liên ngành của Thành phố kiểm tra, xử lý các vi phạm về nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Hạ Long