Gạo nương từ bản người Dao

Nếu như trước đây, Tết đến là thời điểm người người nhà nhà mong mỏi được “ăn no, mặc ấm” thì ngày nay, đời sống tăng cao, việc “ăn” không chỉ dừng lại ở sự “no”, mà còn phải ăn sao cho ngon, cho sạch, an toàn. Gạo tẻ nương của người Dao ở xã Đồng Sơn (TP Hạ Long) đang được đăng ký và xây dựng thành sản phẩm OCOP là sản phẩm như vậy cho dịp Tết Nguyên đán này.

Bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc HTX Nông, lâm và ngư nghiệp Việt Hưng (TP Hạ Long), đơn vị phát triển thương hiệu sản phẩm này, kể lại: Tháng 10/2022, chúng tôi có dịp làm việc và khảo sát thực tế tại xã Đồng Sơn. Điều thu hút chúng tôi là trên các đỉnh đồi, sườn núi là nhưng vạt lúa chín vàng, đẹp mắt, tò mò chúng tôi trèo lên thăm, chụp ảnh. Sau chuyến thăm, chúng tôi còn được bà con Dao mời ở lại chơi, thưởng thức bữa cơm từ gạo nương đầu mùa thơm, bùi, dẻo vừa thu hoạch. 

f

Lúa nương được trồng trên các sườn đồi xen lẫn những vạt rừng vào vụ thu hoạch rộ tháng 10 hàng năm ở Đồng Sơn.

Theo tìm hiểu từ các cụ cao niên ở Đồng Sơn thì đây là giống lúa cổ truyền được người Dao chọn và tuyển lựa đời này qua đời khác. Giống lúa này cho hạt mẩy, dài và khá dẻo, có khả năng chịu hạn cao, cho sản lượng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khắc nghiệt ở các vùng đồi, rừng của Đồng Sơn. Đây cũng là sản vật để đồng bào nấu cơm dâng cúng thần linh, tổ tiên cũng như đãi khách quý.

Từ ý tưởng đưa đặc sản này thành sản phẩm OCOP phục vụ dịp Tết, tháng 10/2022, đại diện HTX đã làm việc với xã Đồng Sơn thống kê, xác định diện tích canh tác lúa nương khoảng 60ha, sản lượng khá ổn định, với khoảng 100-200 hộ trồng rải rác ở các vùng đồi, sườn núi. 

Để hình thành chuỗi sản xuất nông sản, đơn vị mời người dân tham gia HTX liên kết, tiến hành thu mua và bao tiêu sản phẩm của các hộ. Nhờ đó, nhiều hộ yên tâm, đồng thuận bán sản phẩm cho HTX.

"Đây là giống lúa trồng vào tháng 3, thu hoạch vào tháng 10, 11 hàng năm, trồng ở các sườn đồi, núi và các địa hình khó khăn, điều kiện khắc nghiệt. Từ khi chọc lỗ tra hạt tới khi thu hoạch hoàn toàn nhờ mưa nắng tự nhiên, hoàn toàn không có hóa chất, phân đạm.

Nguồn phân bón, dinh dưỡng duy nhất cho cây lúa chính là tro, than được đồng bào đốt ruộng, nương sau khi kết thúc mùa vụ cũ, chuẩn bị cho vụ mới. Tuy sản lượng không cao như thóc lúa dưới xuôi nhưng là thực phẩm sạch, có giá trị cao về dinh dưỡng, phẩm chất hạt gạo" - chị Nguyễn Thị Luyện, xã viên HTX ở thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn chia sẻ. 

Nhờ đó, ở mùa đầu tiên này, HTX cũng mở 2 điểm thu mua lúa nương ở thôn Tân Ốc 1 và Tân Ốc 2. Kết quả, vụ đầu, HTX thu mua được hàng chục tấn lúa nương của các xã viên và người dân bán.

f

Sản phẩm được đóng gói mỗi túi 2kg và bán với giá 45.000 đồng/kg tại Cửa hàng OCOP chợ Hạ Long 1 (TP Hạ Long).

Lúa nương sau khi được thu mua, được các xã viên giã thủ công bằng chày cối hoặc xay xát bằng các máy xay cỡ nhỏ tại chỗ. Gạo sau đó được loại bỏ những hạt xấu rồi đóng gói, hút chân không bảo quản. HTX đã cung cấp ra thị trường được hơn 5 tấn gạo nương chất lượng cao. Gạo nương có dáng thon dài, tròn đầu, có màu trắng trong, thơm, khá dẻo cơm. Hiện sản phẩm được bán ở điểm bán sản phẩm OCOP chợ Hạ Long 1 (TP Hạ Long) phục vụ Tết Nguyên đán.

"Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với địa phương quản lý đảm bảo và quy hoạch, thiết lập mã số vùng trồng, đồng thời đảm bảo sản lượng mà không gây ảnh hưởng tới môi trường. HTX định hướng nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đặc sản; tăng cường liên kết, bao tiêu, đầu tư xưởng xay xát ở Sơn Dương để chế biến sâu" - bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc HTX chia sẻ dự định.

Theo báo Quảng Ninh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 7185