Giáo dục Hạ Long tiếp tục đổi mới, bứt phá, khẳng định vị thế lá cờ đầu của tỉnh

Giữ vững vị trí dẫn đầu toàn tỉnh nhiều năm liền, năm học 2024- 2025, thành phố Hạ Long tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm giáo dục chất lượng cao với những thành tích ấn tượng trong đào tạo mũi nhọn: 87 giải học sinh giỏi quốc gia, 583 giải cấp tỉnh của học sinh phổ thông, 124 học sinh tiêu biểu được xét chọn từ hàng chục ngàn em ở các cấp học phổ thông. Có được kết quả đó là do thành phố luôn đầu tư toàn diện cho giáo dục, từ cơ sở vật chất đến chú trọng phát hiện- bồi dưỡng học sinh năng khiếu cũng như xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên sâu và tạo dựng môi trường học tập phát triển toàn diện. Các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, đẩy mạnh trải nghiệm, nghiên cứu khoa học. Chính sự đồng bộ trong chỉ đạo, đầu tư và đổi mới đã giúp Hạ Long duy trì vững chắc vị thế là lá cờ đầu của giáo dục tỉnh Quảng Ninh.

Với phương châm "phát hiện sớm, bồi dưỡng sâu, phát triển bền vững", ngành giáo dục Hạ Long đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu năm học.

Đồng bộ cơ sở vật chất –bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, bền vững

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo chuyên môn sát sao từ Sở GD&ĐT, cùng sự đầu tư có trọng điểm từ thành phố, giáo dục Hạ Long không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tính đến năm học 2024 - 2025, Hạ Long có 116  trường học các cấp, gồm 95 trường công lập, 21 trường ngoài công lập và 165 nhóm trẻ độc lập tư thục. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và công tác phổ cập giáo dục.

Hiện tại các nhà trường được xây dựng khang trang, kiên cố với đầy đủ các trang thiết bị cho việc dạy và học. Năm học 2024-2025, có 07 trường đang được đầu tư xây dựng thêm các phòng học, phòng học bộ môn, trường THCS Trọng Điểm được xây dựng mới.  Toàn thành phố có 93 trường đạt chuẩn Quốc gia. Cùng với đó, các nhà trường tiếp tục được đầu tư chuẩn hóa trang thiết bị, xây dựng thư viện đạt chuẩn, triển khai mô hình giáo dục thông minh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Các hạng mục như sân chơi, bếp ăn bán trú, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch… cũng được đầu tư đồng bộ, đảm bảo an toàn, vệ sinh.

Đây chính là nền tảng vững chắc để ngành GD&ĐT Hạ Long tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện, hướng tới xây dựng đội ngũ học sinh có trí tuệ, phẩm chất và bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ hội nhập, kỷ nguyên vươn mình.

Chuyển đổi số trong giáo dục để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng, ngành GD&ĐT thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức dạy học phân hóa phù hợp với trình độ và khả năng của học sinh; lồng ghép giáo dục thực tiễn, tích hợp kiến thức liên môn; phát triển giáo dục STEM trong chương trình chính khóa; đẩy mạnh xây dựng học liệu số, phát triển ngân hàng câu hỏi trực tuyến, ứng dụng các nền tảng dạy và học LMS/LCMS. Nhiều đơn vị đã vận hành hiệu quả các mô hình học tập số. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn để hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tư vấn hướng nghiệp và phân luồng sau THCS, THPT.

 Giờ hoc  ứng dung công nghệ thông tin sôi động của trường TH Nguyễn Bá Ngọc – mô hình giáo dục đổi mới, sáng tạo được ngành Giáo dục Hạ Long chú trọng triển khai.

Cô Mai Thị Mận, Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Bá Ngọc cho biết: “Chúng tôi xác định chuyển đổi số là nên tảng thiết yếu cho sự phát triển giáo dục hiện đại. Nhà trường đã tích cực ứng dụng các thiết bị phòng học thông minh, phần mềm học tập, Office 365 và trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và quản lý trên các nền tảng số. Sự thay đổi rõ nét nhất là giáo viên đổi mới, sáng tạo, học sinh chủ động, hào hứng hơn, giờ học sinh động, hiệu quả hơn và điều hành, quản lý trong nhà trường hiệu quả, minh bạch”.

Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng thường xuyên cả về chuyên môn, kỹ năng quản lý và phương pháp sư phạm hiện đại. Công tác kiểm tra, giám sát được Phòng GD&ĐT thực hiện định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời tư vấn, chấn chỉnh, đảm bảo các cơ sở giáo dục vận hành đúng định hướng và nhiệm vụ được giao.

Cô Nguyễn Thị Thảo, Giáo viên tổ 5, trường TH Trần Hưng Đạo nói: “Chúng tôi đã đổi mới, sáng tạo trong cách dạy học để đáp ứng được chương trình giáo dục mới. Trước hết là đổi mới về hình thức dạy học, kết hợp với phương pháp truyền thống, cho học sinh sử dụng một số hình thức như: chuyển đổi số, sử dụng một số phần mềm OLM, GOOGLE CLASSROOM…để học sinh vừa tiếp cận được với kiến thức mới và tránh sự nhàm chán trong việc học. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường sử dụng những phương pháp dạy học tích cực để giúp học sinh yêu thích những giờ học”.

Song song với đổi mới phương pháp giảng dạy và chuyển đổi số, các nhà trường cũng đẩy mạnh giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống cho học sinh thông qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Nhiều trường đã lồng ghép hiệu quả nội dung này trong các hoạt động giáo dục chính khóa, ngoại khóa, góp phần bồi dưỡng lý tưởng sống, tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm cho học sinh.

 Trường TH Trần Hưng Đạo không chỉ đổi mới, sáng tạo trong dạy học mà còn xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, chú trọng nâng cao thể chất cho học sinh

Bên cạnh đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, các trường học còn đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, thân thiện và an toàn. Cảnh quan sư phạm được đầu tư cải thiện; hệ thống thư viện đạt chuẩn, nhà vệ sinh sạch sẽ, bếp ăn bán trú khang trang, sân chơi bãi tập thường xuyên được nâng cấp phục vụ hiệu quả hoạt động thể chất và tinh thần cho học sinh.

Các phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, các hội thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, sáng tạo trẻ, Trạng nguyên Tiếng Việt... được triển khai sâu rộng, tạo động lực cho học sinh phát triển toàn diện về trí tuệ, kỹ năng và thể chất. Nhiều trường tổ chức các câu lạc bộ theo sở trường, đam mê của học sinh như CLB khoa học, thể thao, nghệ thuật, kỹ năng sống... tạo môi trường trải nghiệm phong phú, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và phát triển năng lực cá nhân.

Với định hướng phát triển giáo dục theo hướng toàn diện, hiện đại và nhân văn, ngành GD&ĐT TP Hạ Long khẳng định vị thế là địa phương dẫn đầu trong đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là đòn bẩy chiến lược, nền tảng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển GD&ĐT.

Những thành tích đáng tự hào

Sự đổi mới đúng hướng và  nỗ lực của toàn ngành đã  thu được kết quả khả quan: trong các kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa, nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngành GD&ĐT Hạ Long luôn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng giải.

Năm học 2024–2025, dưới sự chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự đầu tư mạnh mẽ của thành phố cùng sự đồng lòng của toàn xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo Hạ Long tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong với những thành tựu nổi bật trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Một trong những thành công đáng tự hào là kết quả trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp của học sinh. Đội tuyển học sinh giỏi THPT của Thành phố Hạ Long dự thi các môn văn hóa cấp Quốc gia đạt 87 giải trên tổng số 88 giải Quốc gia của Học sinh Tỉnh Quảng Ninh (tăng 22 giải so với năm học trước); Có 02 học sinh được lựa chọn vòng thi Quốc tế (môn Hoá và môn Tin). Đội tuyển học sinh giỏi các môn văn hóa cấp THCS đạt 227 giải trong tổng số 861 giải cấp tỉnh; Cuộc thi Nghiên cứu Khoa học Học sinh Thành phố Hạ Long có  28 dự án dự thi cấp Tỉnh, Đạt 3 giải Nhất , 5 giải Nhì, 4 giải Ba,  6 giải Tư; 02 dự án dự thi cấp Quốc gia (01dựa án thuộc trường  THCS Hồng Hải,  01 dự án thuộc trường THPT Chuyên Hạ Long) đạt 02 giải Triển vọng. Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp Tỉnh lần thứ IX đã có  11 dự án của Học sinh Thành phố Hạ Long đạt giải cấp Tỉnh (Giải Đặc biệt 01; Nhì 2; Khuyến khích 8, trong đó có 01 sản phẩm đạt giải Khuyến khích cấp Quốc gia thuộc về trường THCS Bãi Cháy. Đội tuyển Điền kinh thành phố Hạ Long tham gia Giải điền kinh học sinh phổ thông tỉnh Quảng Ninh đạt 02 giải nhì và 03 giải ba.

Đây là kết quả từ sự đầu tư bài bản, môi trường học đường lành mạnh và tinh thần hiếu học lan tỏa rộng khắp. Điển hình các trường cấp THCS là:  THCS Trọng Điểm, THCS  Trần Quốc Toản, THCS Bãi Cháy, THCS Lý Tự Trọng, THCS Lê Văn Tám, THCS Nguyễn Văn Thuộc, THCS Hồng Hải, TH-THCS Minh Khải; cấp THPT là THPT Chuyên Hạ Long; THPT Hòn Gai, TH-THCS-THPT Văn Lang, THPT Ngô Quyền, THPT Bãi Cháy, TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Vũ Văn Hiếu, THPT Quảng La,  … là những điển hình tiêu biểu về đổi mới, sáng tạo, ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi hiệu quả.

Gương sáng học sinh

Đằng sau mỗi tấm bằng khen, mỗi huy chương là biết bao nỗ lực thầm lặng – là những giờ học miệt mài, những buổi ôn luyện không quản ngày đêm của chính các em học sinh.

Học sinh Trường THCS Trọng Điểm Hạ Long đoạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi  – tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục mũi nhọn của thành phố.

Em Nguyễn Hoành Ngân, Học sinh lớp 5A3, trường tiểu học Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Để học tốt tiếng Anh con cần có đam mê, nỗ lực và quyết tâm. Mỗi ngày con đặt ra mục tiêu phấn đấu là học được 10 từ vựng mới và con cần đọc thêm sách, truyện, những video bằng tiếng Anh để rèn luyện khả năng giao tiếp và nghe của mình”.

Có em say mê với từng con số, từng công thức, dành hàng tháng trời để hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học. Có em từ những ngày đầu còn rụt rè, giờ đây đã trở thành học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, tự tin chia sẻ trước hội đồng chấm thi. Có em vừa học tốt, vừa tích cực tham gia công tác Đoàn, Đội, làm cán bộ lớp gương mẫu, là “người truyền lửa” cho tập thể.

Em Nguyễn Minh Tuấn, lớp 12 tin, trường THPT Chuyên Hạ Long tâm sự: “Em thường xuyên tìm hiểu kiến thức mới trên các trang web học lập trình, sắp xếp thời gian biểu của bản thân hợp lý, dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Trước các kỳ thi thì em thường đặt mục tiêu cho bản thân để sau khi thi xong nhận kết quả em sẽ phải nhìn lại những cái gì mình làm được để phát huy và những gì mình chưa làm được so với kỳ vọng để sửa”.

Hai anh em sinh đôi Đỗ Tùng Lâm và Đỗ Tuấn Lâm, học sinh lớp 9A8, Trường THCS Trọng điểm Hạ Long, đã cùng xuất sắc giành giải Nhất môn Vật lý trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024–2025. Cùng học một lớp, cùng chung đam mê khám phá khoa học, cặp song sinh không chỉ gây ấn tượng bởi thành tích nổi bật mà còn là tấm gương về sự nỗ lực, gắn bó và hỗ trợ nhau trong học tập. Đây cũng là lần đầu tiên một cặp anh em sinh đôi cùng đạt giải Nhất ở cùng một môn thi tại kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Quảng Ninh.

 Em Đỗ Tùng Lâm, học sinh lớp 9A8, Trường THCS Trọng Điểm chia sẻ: “Để đạt được thành tích như vậy thì mỗi khi em học ở trên lớp em chú ý lắng nghe bài giảng. Sau khi về nhà em đọc lại và ngẫm nghĩ hiểu sâu hơn, hạn chế sử dụng mạng xã hội, dành thời gian ngủ, nghỉ, ăn uống sinh hoạt đầy đủ, hợp lý. Ở nhà chúng em giúp đỡ chéo lẫn nhau và giải đáp những thắc mắc của nhau, cùng thúc đẩy nhau học tập”

Học sinh giỏi không chỉ đến từ những trường có điều kiện thuận lợi tại trung tâm thành phố, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm nay còn ghi nhận sự toả sáng của nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở các trường vùng cao. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện học tập, các em vẫn nỗ lực vươn lên, khắc phục hoàn cảnh, miệt mài ôn luyện để đạt thành tích cao. Mỗi giải thưởng đạt được không chỉ là kết quả của sự kiên trì, mà còn là minh chứng cho tinh thần hiếu học, nghị lực vượt khó đáng trân trọng nơi vùng đất còn nhiều gian khó.

Em Trịnh Khánh Thi, học sinh trường TH&THCS Tân Dân nói: “Trong kỳ thi chọn HSG cấp thành phố em được giải ba và tiếp tục tham gia kỳ thi cấp tỉnh được giải nhì môn lịch sử- địa lý. Trong quá trình ôn luyện từ Tân Dân xuống dưới Trới với quãng đường hơn 30 km thì em phải đi ôn vào các buổi chiều từ rất sớm và ôn tới 4h chiều, sau đó em phải bắt xe công nhân đi về.”

Những tấm gương trên cho thấy, bên cạnh sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và xã hội thì yếu tố quyết định vẫn là ý chí, nghị lực và mục tiêu học tập của học sinh. Các em luôn mang trong mình khát vọng vươn lên bằng chính sức lực và trí tuệ của mình. Đó là minh chứng cho hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, cũng như định hướng nghề nghiệp trong nhà trường hiện nay.

Tâm huyết của những người thầy

Phía sau mỗi gương mặt học sinh tiêu biểu ấy là hình bóng thầm lặng của thầy cô giáo – những người đã không quản ngày đêm, đồng hành, truyền cảm hứng, hướng dẫn các em từng bước đi. Là phụ huynh tận tụy – lặng lẽ làm điểm tựa tinh thần vững chắc để con em mình tự tin vươn tới những chân trời tri thức mới.

Thầy Trần Văn Thương, Giáo viên trường TH&THCS Tân Dân chia sẻ: “Học sinh trên 90% là dân tộc thiểu số nên khả năng nhận thức, tư duy còn nhiều hạn chế. Nhiều phụ huynh chưa thực quan tâm đến việc học của con em mình. Nhiều học sinh ở xã nên vất vả trong việc đi lại. Từ những khó khăn đó, tôi vừa động viên, vừa tìm giải pháp để các em yêu thích bộ môn học, cố gắng chăm chỉ học tập theo định hướng của thầy; vận động gia đình tạo điều kiện cho các em ôn tập”.

Cô Bùi Thị Kim Oanh, giáo viên dạy khoa học tự nhiên, trường THCS Trọng Điểm chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng tạo được hứng thú cho các con trong các giờ học. Qua đó phát hiện những con có khả năng, năng khiếu học tập bộ môn để cho vào đội tuyển. Tôi cũng lập cho mình một kế hoạch ôn tập cụ thể theo từng thời điểm, có sự đầu tư về thời gian cũng như là công sức để xây dựng được những nội dung ôn tập cho các con tốt nhất. Với đặc trưng của bộ môn khoa học tự nhiên gồm 4 mảng kiến thức nên sự học hỏi về chuyên môn của giáo viên cũng rất là quan trọng, giúp các con có thể tổng hợp được các kiến thức ở bộ môn này.”

Cô Trần Thị Quyên, Hiệu trưởng trường TH&THCS Tân Dân cho biết: “Trong năm học này, được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo thành phố đã xây dựng công trình các phòng học bộ môn và nhà đa năng đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Với cơ sở vật chất hoàn thiện, cùng với đội ngũ các thầy cô say chuyên môn, tâm huyết với nghề và gắn bó với học sinh vùng cao thì năm học tiếp theo, nhà trường sẽ cố gắng phát huy hết những kết quả đã đạt được của năm học vừa rồi, đồng thời sẽ bồi dưỡng được thêm nhiều học sinh đạt học sinh giỏi, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của nhà trường.”

Trong bối cảnh giáo dục không ngừng đổi mới, yêu cầu đối với giáo viên ngày càng cao hơn. Đội ngũ nhà giáo của thành phố Hạ Long vẫn luôn tận tụy, chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời duy trì chất lượng chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Những thành tích mà học sinh của Thành phố Hạ Long đạt được là kết quả của quá trình rèn luyện, tu dưỡng không mệt mỏi của từng học sinh. Đứng sau mỗi thành tích vẻ vang đó có công sức thầm lặng, to lớn của các thầy giáo, cô giáo; sự sáng tạo trong cách quản lý của mỗi nhà trường; sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng như mỗi gia đình và toàn xã hội. Thành tích đó đã khẳng định sự phát triển vững chắc của sự nghiệp GD&ĐT Thành phố Hạ Long. Góp phần thực hiện thành công 3 mũi đột phá chiến lược trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ đổi mới.

Trần Thanh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 14236

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẠ LONG

CƠ QUAN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: UBND Thành phố Hạ Long

Số Giấy phép: 100/GP-STTT ngày 09/08/2024
Quản lý nội dung các cổng thành phần: Thủ trưởng các đơn vị, địa phương
Địa chỉ: Số 2 phố Bến Đoan, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.825.408     -      Fax: 0203.361.1792;

Email: ubndhl@quangninh.gov.vn

 

CƠ QUAN QUẢN LÝ: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố Hạ Long

Địa chỉ: Số 369, đường Trần Quốc Nghiễn, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.611.791

Email: ttttvvh.hl@quangninh.gov.vn ..