Giáo dục Hạ Long vững bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Là thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, Hạ Long sở hữu những lợi thế đặc biệt, làm động lực cho sự phát triển bứt phá, trong đó có sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, lĩnh vực giáo dục – đào tạo của TP Hạ Long đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của thành phố và của tỉnh. Đó là tiền đề để ngành giáo dục thành phố tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những bước tiến vững chắc

Để đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, những năm qua, Thành phố đã tập trung triển khai những giải pháp hiệu quả, đồng bộ với các cơ chế, chính sách, nguồn lực ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Hàng năm, thành phố thực hiện rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, điểm trường, nhóm, lớp học để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại. Từ năm 2020 đến nay, thành phố đã đầu tư xây mới, sửa chữa 151 công trình trường học, tổng kinh phí 1.296 tỷ đồng; thực hiện giảm 3 trường công lập, giảm 20 điểm trường lẻ; góp phần quan trọng vào việc củng cố vững chắc công tác phổ cập giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia, tạo điều kiện tốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Những năm gần đây, Hạ Long ưu tiên dành quỹ đất và bố trí vốn xây mới, nâng cấp các cơ sở giáo dục

Quy mô giáo dục không ngừng được mở rộng, phát triển mạnh; hệ thống trường lớp với chất lượng ngày càng được nâng lên đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện nay, thành phố Hạ Long có 117 trường với trên 97.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thành phố, 1 Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên tỉnh, 5 trường Cao đẳng nghề (có học sinh thành phố Hạ Long học kết hợp).

Đến hết năm 2024, thành phố có 88 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 75,2%; ước đến hết năm 2025 có 107/117 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 91,45%;

Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư góp phần đắc lực nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố

Đặc biệt những năm vừa qua, thành phố khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập. Hiện toàn thành phố có 22/117 trường ngoài công lập (chiếm 18,8%). Nhiều trường mầm non tư thục, trường liên cấp TH-THCS-THPT ngoài công lập chất lượng cao ngày càng thu hút đông học sinh. Đây là hướng đi đúng đắn, góp phần tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, giảm mạnh gánh nặng ngân sách cho giáo dục công lập, xây dựng mô hình giáo dục chất lượng cao và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong phát triển giáo dục.

Cùng với đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, thành phố cũng tập trung rà soát, quy hoạch và bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phù hợp với vị trí việc làm; có kế hoạch về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Hiện nay, 94,6% giáo viên các trường trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn là 28,8%. Ước đến hết năm 2025, sẽ có 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo; 30% giáo viên trở lên có trình độ đạt chuẩn nâng cao.

Đặc biệt, từ năm 2022, thành phố Hạ Long tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý các trường học thay vì bổ nhiệm như trước đây. Các cuộc thi tuyển được tổ chức nghiêm túc, công khai đã tạo động lực thúc đẩy cán bộ, viên chức ngành giáo dục tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành. Ghi nhận ban đầu cho thấy, những cán bộ quản lý được bổ nhiệm qua thi tuyển đã phát huy tốt năng lực, sở trường trong công việc; bám sát đề án, kế hoạch hành động cam kết khi tham gia ứng tuyển. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại mỗi trường học.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở vùng khó khăn và đảm bảo công tác dạy học tại các trường vùng cao, thành phố ban hành và thực hiện Quy chế luân chuyển giáo viên các trường công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố. Từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện luân chuyển 170 giáo viên lên công tác tại các xã vùng cao, vùng khó khăn. Đồng thời trưng dụng giáo viên dạy liên trường, bố trí kiêm nhiệm nhiệm vụ đối với đội ngũ nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị. Nhờ đó không chỉ đảm bảo công tác dạy và học mà còn nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường vùng cao, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch về cơ hội tiếp cận và chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực đào tạo giữa các vùng miền của thành phố.

Lãnh đạo thành phố Hạ Long trao quyết định, động viên các thầy cô giáo nhận Quyết định luân chuyển lên vùng cao dạy học

Để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh; tăng cường môi trường học tập, sử dụng ngoại ngữ, tin học. Hiện 100% các trường phổ thông đã triển khai thực hiện dạy tiếng Anh chính thức từ lớp 3 đến lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Công tác duy trì, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phân luồng học sinh sau THCS được chú trọng. Năm 2024, thành phố đã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, Phổ cập giáo dục trung học mức độ 3, Xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 100%. Nhiều năm, thành phố Hạ Long liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng và số lượng học sinh giỏi các cấp. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng cao. Riêng trong năm học 2023-2024 vừa qua, thành phố dẫn đầu toàn tỉnh về điểm thi vào lớp 10, về điểm thi tốt nghiệp THPT, về chất lượng và số lượng học sinh giỏi với 65 trên tổng số 85 giải học sinh giỏi THPT cấp quốc gia của tỉnh; 225/861 giải học sinh giỏi các môn văn hóa THCS cấp tỉnh.

Tự tin bước vào kỷ nguyên mới

Những thành tựu đã đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hạ Long vững bước tiến vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tuy nhiên, trước tình hình mới, ngành giáo dục – đào tạo thành phố cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức: Việc gia tăng dân số cơ học cùng với quỹ đất bổ sung cho các trường học hạn chế khiến việc đảm bảo các tiêu chuẩn về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ giáo viên tại các trường vùng cao, vùng khó khăn mặc dù đã được bổ sung, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Việc thành lập các trường mầm non tư thục mới còn hạn chế...

Trước thành tựu và khó khăn, với tinh thần “biến thách thức thành cơ hội phát triển”, thành phố Hạ Long đã đề ra hàng loạt chủ trương, biện pháp cho thời kỳ phát triển mới của thành phố nói chung và của ngành giáo dục – đào tạo nói riêng.

Các hoạt động giáo dục của thành phố hiện đang hướng tới mục tiêu "lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển"

Với mục tiêu “lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển”, thành phố sẽ tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Kết luận số 91- KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Cùng với đó là Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 5/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 278-KH/TU ngày 14/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả giữa các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị đối với đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện ở các cấp học.

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Cơ cấu lại đội ngũ; phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống.

Các cơ sở giáo dục mầm non chú trọng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của trẻ

Tăng cường công tác tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp; đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; khuyến khích phát triển hợp lý và hiệu quả hệ thông trường ngoài công lập chất lượng cao. Đồng thời đẩy mạnh tự chủ giáo dục, khuyến khích thực hiện tự chủ giáo dục theo lộ trình, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tạo nền tảng hình thành lớp công dân thành phố thông thạo ngoại ngữ; thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời.

Phấn đấu đến năm 2025: 100% các trường học trong và ngoài công lập ở những nơi có điều kiện trên địa bàn Thành phố hoàn thành các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,3% trở lên; học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; học sinh THCS lên lớp thẳng đạt tỉ lệ 99% trở lên; 70% học sinh đạt chuẩn năng lực đầu ra ngoại ngữ theo quy định của Bộ giáo dục Đào tạo. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trong đó có 30% trở lên đạt trình độ trên chuẩn. 100% trường và cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Phấn đấu 04 trường đạt tiêu chuẩn trường chất lượng cao, tự chủ 100%. Thành phố Hạ Long tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Đến năm 2030: có 50% trở lên giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin của tỉnh; Duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2; 96,8% số trường trên địa bàn đạt Chuẩn Quốc gia.

Chặng đường phía trước chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách. Song với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đối đầu với khó khăn thử thách của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố nói chung, ngành giáo dục và đào tạo thành phố nói riêng, tin rằng những mục tiêu đề ra sẽ được thực hiện thắng lợi. Ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hạ Long sẽ vững vàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Phương Loan

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 38919

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẠ LONG

CƠ QUAN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: UBND Thành phố Hạ Long

Số Giấy phép: 100/GP-STTT ngày 09/08/2024
Quản lý nội dung các cổng thành phần: Thủ trưởng các đơn vị, địa phương
Địa chỉ: Số 2 phố Bến Đoan, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.825.408     -      Fax: 0203.361.1792;

Email: ubndhl@quangninh.gov.vn

 

CƠ QUAN QUẢN LÝ: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố Hạ Long

Địa chỉ: Số 369, đường Trần Quốc Nghiễn, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.611.791

Email: ttttvvh.hl@quangninh.gov.vn ..