Hạ Long mở rộng vùng trồng cây dược liệu

Sau bão số 3, Hạ Long có trên 21.500 ha rừng bị thiệt hại. Những ngày qua, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, thành phố đã và đang triển khai Đề án phát triển vùng trồng cây dược liệu kết hợp du lịch trải nghiệm, vận động người dân, doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng keo có giá trị kinh tế thấp sang trồng cây dược liệu kết hợp du lịch trải nghiệm. Đây là hướng đi mới, góp phần thay đổi tư duy, suy nghĩ của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo "cú hích" phát triển kinh tế nông thôn.

Vườn ươm cây giống tại xã Thống Nhất

Từ khi được nhà nước giao đất, giao rừng, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố đã trồng cây ăn quả, cây keo, cây lấy gỗ. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp nên những đồi cây này không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, sau bão số 3, phần lớn diện tích cây keo, cây lấy gỗ trên địa bàn đã bị đổ, gãy, thiệt hại lớn cho bà con.

Ông Nguyễn Thế Bạn, thôn Chợ, xã Thống Nhất chia sẻ:“Qua tìm hiểu tôi thấy cây sâm bố chính mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vừa qua trồng keo bị bão gió đổ gầy hết nên gia đình tìm hiểu chuyển sang trồng cây sâm bố chính, đăng ký trồng thảo dược và cây gỗ lớn. Tôi đăng ký dự án trồng cây gỗ lớn và cây thảo dược kết hợp làm du lịch. Tôi đã trồng cây gỗ lớn và cây sâm bố chính này”.

Xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Hạ Long đã vận động người dân hình thành các vùng dược liệu tập trung, thay thế cây keo, cây hoa màu kém hiệu quả.

Xác định được sâm bố chính là loại cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân tích cực chuyển đổi từ cây keo sang trồng sâm

Năm 2021, thành phố đã tiến hành trồng thử nghiệm với 2 ha sâm bố chính để thay thế cây ngô, cây khoai, sắn cho bà con nông dân ở các xã Bằng Cả và Dân Chủ. Đến năm 2022 thì được mở rộng ra các xã Tân Dân gần 1ha. Năm 2023, bà con nông dân xã Bằng Cả đã đăng ký trồng 3000m2. Đến năm 2024, toàn thành phố đã duy trì được hơn 10 ha sâm bố chính ở các xã Bằng Cả, Dân Chủ, Tân Dân. Năm nay đã mở rộng sang xã Thống Nhất với 10ha.

Cây sâm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu một số xã trên địa bàn thành phố Hạ Long nên phát triển tốt

Ông Phạm Công Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Kingsam cho biết: “Công ty đã hỗ trợ bà con nhân dân kỹ thuật, cây giống để phát triển cây dược liệu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao thay cho những cây bà con đang trồng hiện tại như cây keo. Từ đó chúng tôi mong muốn mở rộng vùng dươc liệu cho Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh và Việt Nam nói chung để cung cấp cho những nhà bào chế dược liệu khẩu. Qua khảo sát và đã trồng thử nghiệm tại thành phố Hạ Long thì thấy khu vực đất đai cũng phù hợp với rất nhiều cây dược liệu, trong đó có 5 cây dươc liệu chính.” 

Có thể thấy, việc trồng và phát triển cây dược liệu đã mang lại không khí làm việc khẩn trương hăng say cho những người nông dân, giúp họ khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của đặc điểm đất đai, từng bước hình thành vùng cây dược liệu tại Hạ Long, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác. Góp phần thực hiện thành công 3 vùng trọng điểm mà tỉnh đã quy hoạch để phát triển dược liệu gắn với loài cây trồng cụ thể.

 

Trần Thanh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 18359

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẠ LONG

CƠ QUAN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: UBND Thành phố Hạ Long

Số Giấy phép: 100/GP-STTT ngày 09/08/2024
Quản lý nội dung các cổng thành phần: Thủ trưởng các đơn vị, địa phương
Địa chỉ: Số 2 phố Bến Đoan, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.825.408     -      Fax: 0203.361.1792;

Email: ubndhl@quangninh.gov.vn

 

CƠ QUAN QUẢN LÝ: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố Hạ Long

Địa chỉ: Số 369, đường Trần Quốc Nghiễn, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.611.791

Email: ttttvvh.hl@quangninh.gov.vn ..