Hạ Long: Nhân rộng phong trào trồng cây, trồng rừng

Thời gian qua, TP Hạ Long đã tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, gây rừng góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Vào mỗi dịp đầu năm mới, các phường xã, cơ quan, đơn vị của Thành phố đều tích cực tham gia trồng cây đầu xuân cùng với chú trọng chăm sóc, phát triển rừng. Nhờ đó, không gian và môi trường sống từ đô thị đến nông thôn đều trong lành hơn, người dân có điều kiện cải thiện đời sống vật chất thông qua phát triển kinh tế rừng.

Thành phố và các địa phương phát động tết trồng cây năm 2023

Hưởng ứng “chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động và trồng 5.000 ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, TP Hạ Long đã phát động tết trồng cây xuân Quý Mão 2023. Ngoài ra, tất cả các phường, xã cùng nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng đã huy động cán bộ, nhân dân, đoàn viên, thanh niên, người lao động tham gia trồng cây xanh dịp đầu năm mới; tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng cũng như các chương trình, mục tiêu trồng cây, phát triển rừng của Chính phủ, Tỉnh và TP Hạ Long. Trên toàn địa bàn Thành phố dịp đầu năm đã trồng được 12,4ha với với trên 14.000 cây các loại: Giổi, lát, long não, cây xanh đô thị .... Riêng tại khu vực phát động Tết trồng cây của Thành phố thuộc địa phận thôn Cài, xã Đồng Lâm, đã trồng trên 3.300 cây trong đó có 1100 cây Giổi xanh và 2200 cây Lát hoa với tổng diện tích 3ha.

Không chỉ trồng cây mỗi dịp đầu xuân mới, TP Hạ Long đã và đang tích cực triển khai thực hiện các chương trình, Nghị quyết về phát triển rừng trên địa bàn. Hạ Long hiện có trên 87.614 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 78,28% diện tích. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do các đơn vị quản lý.

 Công tác chăm sóc, bảo vệ rừng được TP đặc biệt chú trọng

Để phát triển rừng bền vững, những năm qua TP Hạ Long đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt ngày 26/9/2022 vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030". Các nghị quyết đã tạo động lực mạnh mẽ để TP Hạ Long triển khai có hiệu quả trong thực hiện công tác xây dựng, bảo vệ môi trường và phát triển rừng bền vững.

Thành phố xác định, chất lượng rừng được nâng lên phải thông qua việc trồng rừng gỗ lớn và tập trung bằng các loài cây bản địa. Để người dân hưởng ứng tham gia, bên cạnh tuyên truyền các cơ chế chính sách của tỉnh cho nhân dân, TP Hạ Long đã triển khai tới các xã và các hộ dân có nhu cầu trồng rừng gỗ lớn để hướng dẫn, hỗ trợ người dân viết đơn đăng ký tham gia. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của thành phố, năm 2022, trên địa bàn TP Hạ Long đã trồng được 492,8ha rừng lim, giổi, lát tập trung và trồng được 17.700 cây phân tán tại các tuyến đường liên thôn, nhà văn hóa, trường học… gồm các loài cây sấu, long não, giổi, lát hoa, phi lao…

TP Hạ Long đặt mục tiêu trồng mới ít nhất 420ha rừng gỗ lớn trong năm 2023

Cùng với việc trồng rừng, việc chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng được TP Hạ Long đặc biệt quan tâm. Thành phố thành lập và luôn duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống cháy rừng. Thành lập 31 Ban chỉ huy cấp phường, xã; 9 Ban chỉ huy của các chủ rừng với 83 tổ, đội phòng chống cháy rừng, với 865 người tham gia.

Năm 2023, TP Hạ Long đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt 61% và nâng cao chất lượng rừng. Trong đó, khẩn trương hoàn thành rà soát quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch trồng rừng gỗ lớn; phấn đấu trong năm trồng mới ít nhất 420 ha rừng với các loài (Lim, Dổi, Lát) ở nơi có đủ điều kiện. Cùng với đó, triển khai các biện pháp kiểm tra, chăm sóc rừng cây gỗ lớn đã trồng đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt; bảo vệ nghiêm ngặt rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng cây gỗ lớn, rừng cảnh quan, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

                                              Thu Hường

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 26294