Hạ Long tạo đà phát triển đô thị từ Quy hoạch chung

Ngày 10/2/2023 là một dấu mốc quan trọng của TP Hạ Long khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 tại Quyết định số 72/QĐ-TTg. Thành phố đã chính thức thiết lập được các tọa độ để phát triển thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ du lịch quốc gia tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng (bên trái), bàn giao tài liệu, công bố Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040

So với những địa phương khác trong nước, TP Hạ Long là một đô thị đặc thù khi phát triển trên nền một Di sản thiên nhiên thế giới. Theo đó trong Quy hoạch chung, thành phố xác định bảo vệ và phát triển Vịnh Hạ Long là hình ảnh đặc trưng của đô thị Hạ Long và luôn đảm bảo triển khai mọi hoạt động sẽ không tác động tiêu cực đến Di sản, các khoanh vùng của Di sản.

Vì vậy, để mở rộng không gian, thành phố sẽ phát triển xung quanh khu vực Vịnh Cửa Lục trở thành trung tâm không gian, trung tâm kết nối đô thị mở rộng. Trong phát triển không gian đô thị mới này, thành phố sẽ bám sát các yếu tố tạo lập và phát triển kinh tế đô thị để hoạch định chiến lược lâu dài với triết lý phát triển bền vững dựa vào 3 trụ cột là thiên nhiên, con người, văn hóa để xây dựng, hình thành một đô thị phát triển bền vững.

Tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Hạ Long, một trong những công trình kiến trúc điểm nhấn của TP Hạ Long

Trên cơ sở tư duy, tầm nhìn mới, điểm nổi bật trong thiết kế đô thị là thành phố sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp cảnh quan các công trình kiến trúc điểm nhấn hiện hữu như: Cầu Bãi Cháy; cáp treo Nữ hoàng; vòng xoay Mặt trời; Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; cột Đồng Hồ; Quảng trường Mặt trời. Đồng thời bố trí các công trình, tạo điểm nhấn mới tại các khu vực ven biển (Hòn Gai, Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Cái Lân, Lê Lợi, Thống Nhất, Cao Xanh, Hà Phong) và các khu vực điểm cao, đồi núi (Bài Thơ, Ba Đèo, Đại Yên, Núi Mằn, Đồng Sơn - Kỳ Thượng).

Đối với trục không gian, cảnh quan chính, thành phố sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp cảnh quan các tuyến đường đối ngoại, đường ven biển, đường ven Vịnh Cửa Lục, các tuyến đường chính phục vụ du lịch và đô thị. Tại những khu vực này sẽ có cảnh quan hấp dẫn với các tiện ích công cộng thông minh, hiện đại, sinh thái, dễ tiếp cận, có hình ảnh đặc trưng riêng theo từng đoạn tuyến. Từ đó hình thành một số điểm dịch vụ du lịch điểm nhấn, không che chắn tầm nhìn ra biển và tạo lập hình ảnh đô thị theo hướng nhìn từ biển vào thành phố.

Hạ Long cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ tầng cao các công trình phù hợp với yêu cầu bảo tồn Di sản Vịnh Hạ Long. Do đó các điểm cao trên các khu vực đồi núi được thành phố xác định là điểm nhấn, tạo tầm nhìn ra phía Vịnh. Tại các khu vực phát triển mới phía Bắc Vịnh Cửa Lục, các khu vực giao cắt giữa các trục đường chính đô thị, các tuyến trục chính đô thị hướng biển được khuyến khích phát triển cao tầng.

Nút giao cầu Tình Yêu nối 2 bờ Bắc - Nam của TP Hạ Long

Để bức tranh đô thị mới sớm được hiện thực, ngay sau khi tổ chức công bố Quy hoạch chung, thành phố đã tiến hành rà soát, lập các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Hạ Long, làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đang tổ chức rà soát, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với đồ án quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, các định hướng, tính chất và các quy chuẩn quy phạm hiện hành; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, các khu vực nằm trong vùng bảo vệ di tích.

Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị thông minh, đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I, thành phố đang quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để triển khai các dự án, công trình có tính kết nối 2 bờ Bắc - Nam của thành phố, như: Tỉnh lộ 342 nối với huyện Ba Chẽ; nút giao Trại Me tỉnh lộ 342 nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường từ Trại Me, xã Sơn Dương đến QL279; đường từ QL279 đến tỉnh lộ 241 huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)... Đồng thời, tập trung hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch trung tâm cụm xã, thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án động lực, phát triển đô thị hiện đại; tích cực phối hợp tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất san nền để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án: Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; các khu đô thị, dịch vụ tại Bãi Cháy, Hùng Thắng...

Một góc đô thị Hạ Long

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, chia sẻ: Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 là bước cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp, tạo sức bật đột phá cho sự phát triển của thành phố. Quy hoạch cũng đặt ra lộ trình và tổ chức không gian phát triển, gắn với các trụ cột kinh tế để tạo nên những giá trị mới, hiện thực khát vọng đưa vùng đất Hạ Long giàu tiềm năng, lợi thế nổi trội, có những bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt ra, thành phố cũng đề nghị tỉnh ưu tiên cân đối nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh, trong đó ưu tiên đầu tư 7 dự án giai đoạn 2023-2025, tổng mức đầu tư dự kiến trên 7.000 tỷ đồng; có những cơ chế về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thành phố có nguồn lực đầu tư hoàn thiện, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí hạ tầng cơ sở của đô thị. Dự kiến giai đoạn 2023-2025, thành phố đầu tư gần 1.800 tỷ đồng để nâng cấp xã Thống Nhất và Lê Lợi lên phường theo nhiệm vụ tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 2/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đầu tư trên 17.000 tỷ đồng cho các dự án tại khu vực các xã để hoàn thiện và giữ vững tiêu chí đô thị loại I của thành phố.

Theo Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 2185