Hạ Long tham dự Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Cơ hội và thách thức hè 2022”.

Chiều 14-5, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội thảo “Du lịch Việt Nam - Cơ hội và thách thức hè 2022”. Hội thảo trong khuôn khổ ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 18 (ngày 14 đến ngày 17-5). Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 150 khách mời gồm đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, UBND TP.HCM và lãnh đạo các tỉnh, TP như Thanh Hóa, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Hạ Long,… Tham dự Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển du lịch Hạ Long.

Quang cảnh buổi Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển du lịch Hạ Long.

Trong bài phát biểu, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh:  Hạ Long có vị trí địa lý thuận lợi, có cửa khẩu, cảng biển, gần sân bay kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, cũng như quốc tế; có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng từ cảnh quan tự nhiên, giá trị văn hoá lịch sử, đặc biệt có Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long hai lần được tổ chức UNESSCO công nhận. Thành phố Hạ Long luôn giữ vững vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và xứng tầm là “tâm” trong không gian phát triển “một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai mũi đột phá” của tỉnh Quảng Ninh.

Những năm qua, kinh tế Thành phố luôn duy trì tăng trưởng ổn định, giai đoạn 2016-2021, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 15% trên năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2021 đạt 11.400 USD, tăng 9% so với năm 2020. Thu ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn đạt gần 20 ngàn tỷ đồng trong đó Thành phố thu đạt trên 7.600 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững: Dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 52,8% - Công nghiệp xây dựng chiếm 46% - Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 1,2%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 đạt gần 53.000 tỷ đồng, tăng 24,1% so với năm 2020. Hết năm 2021, địa bàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia và tiêu chí nâng cao của tỉnh.

Hai năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, mặc dù đã tác động, ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó ngành dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2019 trước khi xuất hiện dịch bệnh, Thành phố đón 11,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4,3 triệu lượt, doanh thu đạt 23.800 tỷ đồng; nhưng trong 2 năm vừa qua, Thành phố chỉ đón được 5,7 triệu lượt khách (năm 2020 đón 4,1 triệu lượt; năm 2021 đón 1,6 triệu lượt). Bước sáng năm 2022, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, trong 5 tháng đầu năm tổng lượng khách du lịch đến Thành phố đạt 1,4 triệu lượt, tăng 60% so cùng kỳ 2021, doanh thu du lịch đạt 2.380 tỷ đồng, tăng 49% so cùng kỳ 2021.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống chính trị toàn Tỉnh đã rất nhiều nỗ lực để điều hành vừa duy trì sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn để phát triển. Với nỗ lực khôi phục lại các hoạt động của ngành du lịch, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề dành riêng cho kích cầu du lịch như: Nghị quyết 256 ngày 14/5/2020, Nghị quyết 266 ngày 09/7/2020, Nghị quyết 286 ngày 8/8/2020 và gần nhất là Nghị quyết số 51 ngày 01/12/2021. Theo đó, với các cơ chế đặt thù, tỉnh đã thực hiện miễn giảm phí tham quan vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Khu Di tích - danh thắng Yên Tử, tiếp tục hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Sân bay Vân Đồn đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, thành phố Uông Bí) và ngược lại cho hành khách các chuyến bay đi, đến qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn... Ngoài ra, Thành phố triển khai các chính sách về giảm giá điện, giảm giá thuê mặt bằng kinh doanh, giảm, giãn thuế, các cơ chế thu hút nguồn lao động. Các quyết sách được ban hành kịp thời đã có những tác động tích cực không chỉ thu hút du khách, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp du lịch mà còn giải quyết việc làm cho người lao động ngành du lịch vốn đang rất khó khăn do dịch bệnh.

Thành phố đã tập trung tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư chiến lược đẩy nhanh các công trình, dự án trọng điểm về du lịch; triển khai các dự án trọng điểm động lực về giao thông: Đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Móng Cái, Hạ Long - Hải Phòng, cải tạo Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cầu Cửa Lục 1,3... và hiện nay, Thành phố cũng đang nghiên cứu quy hoạch, đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch để kết nối lên khu vực phía Bắc của Thành phố, địa bàn rất giàu tài nguyên nhưng chưa được khai thác, phát huy hiệu quả; cùng với đó, Thành phố tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống biển báo, chiếu sáng đồng bộ, đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng; phát triển hệ thống cây xanh đô thị, theo hướng mỗi tuyến phố một loại cây; ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai xây dựng Thành phố thông minh.

Về hạ tầng du lịch, đến nay Thành phố có 670 cơ sở lưu trú du lịch các loại (trong đó 7 ks 5 sao; 15 ks 4 sao; 26, ks 3 sao; 34 ks 2 sao; 27 ks 1 sao; 86 ks đạt tiêu chuẩn; 425 nhà nghỉ; 50 Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê); 86 khách sạn đạt tiêu chuẩn; 425 nhà nghỉ; 50 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê), với trên 18.000 phòng; có 504 tàu du lịch, trong đó 187 tàu lưu trú và 317 tàu tham quan; 5 bãi tắm đạt tiêu chuẩn; Thành phố có 5 tuyến du lịch trên bờ và 5 tuyến du lịch dưới Vịnh với 37 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận. Hạ Long có hệ thống nhà hàng phục vụ ăn uống, các trung tâm thương mại, điểm mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch với nhiều hàng hóa chất lượng. Ẩm thực hải sản của Hạ Long rất phong phú, đa dạng, ngon và hấp dẫn bởi những hương vị độc đáo: Chả mực, tôm, ngao, ngán, bề bề, ruốc, ghẹ… đảm bảo phục vụ được nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách du lịch.

Đến nay, Thành phố thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược như các Tập đoàn: Vin Group, Sun Group, FLC, Tuần Châu, Bim group… thực hiện các dự án quy mô lớn, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hiện đại, đẳng cấp quốc tế như: Bệnh viện Vinmec; khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan, Vincom Hạ Long; Quần thể sân golf 18 lỗ và du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long; Sân Golf Tuần Châu là 2 sân gofl nằm trên địa bàn Thành phố; Công viên Đại Dương, khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, Cảng Quốc tế Hạ Long, Cầu Tình yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, các khu phố đi bộ, chợ đêm, các khu nhà ở kết hợp mua sắm… cung trình diễn nhạc nước, cung biểu diễn cá heo, thuỷ phi cơ, chèo thuyền Kayak, các du thuyền nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long,…

Thành phố đang tập trung triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch thành phố Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định lấy bảo tồn và khai thác di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long là yếu tố quan trọng cốt lõi để phát triển Hạ Long trở thành thành phố du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm du lịch quốc gia mang tầm quốc tế; lấy Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, với bản sắc văn hóa đặc sắc, truyền thống lịch sử lâu đời của cư dân bản địa là cơ sở để khai thác hiệu quả môi trường cảnh quan liên thông rừng núi, sông, Vịnh; tiếp tục lấy du lịch nội địa là nội lực duy trì hoạt động của ngành du lịch. Trước mắt tận dụng lợi thế phát triển không gian du lịch về phía Bắc Thành phố để khai thác tối đa hiệu quả các sản phẩm du lịch đã hình thành.

Thành phố cũng đang khai thác các sản phẩm du lịch mới đặc sắc như: Câu lạc bộ Tuần Châu Habour Yatch Club đua thuyền buồm - môn thể thao dưới nước hấp dẫn quảng bá rộng rãi, mang đến những trải nghiệm mới lạ cho du khách, hướng tới hình ảnh Hạ Long mới năng động, hội nhập, phát triển; dịch vụ bay trực thăng, thuỷ phi cơ ngắm vịnh Hạ Long; “Phố đêm du thuyền” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là sản phẩm du lịch độc đáo đầu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Quảng Ninh, mở ra không gian vui chơi, giải trí ban đêm mới mẻ, sôi động cho du khách. Ngoài ra, Công ty TNHH Hương Hải Hạ Long đưa sản phẩm du lịch biển mới mang đẳng cấp 5 sao để hấp dẫn du khách, đó là du thuyền nhà hàng Sea Octopus có sức chứa hơn 200 khách, du khách sẽ khởi hành từ 18h - 22h để trải nghiệm những cảm xúc mới lạ ven bờ vịnh Hạ Long.

Hiện nay, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu, triển khai các dự án, sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc sắc, mở rộng không gian phát triển du lịch: Quần thể dự án Sun Hạ Long Ocean Park, khu du lịch Vinpearl Safari Hạ Long, tòa nhà biểu tượng Domino, hệ thống sân gofl kết hợp với dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, các sản phẩm du lịch khu vực vịnh Cửa Lục, tàu nhà hàng trong phạm vi vùng nước ven bờ vịnh...

Để mở cửa, phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch, Tỉnh và Thành phố đã và đang tập trung tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng tiêu chí an toàn và hiệu quả kinh tế lên trên hàng đầu, gắn với bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc địa phương. Trong đó, chọn lọc các sự kiện thực sự có ý nghĩa để quảng bá, lan tỏa truyền thông, thu hút khách du lịch. Vừa qua, Thành phố đã tổ chức rất thành công chuỗi các sự kiện kích cầu du lịch dịp 30/4, 01/5, với điểm nhấn là Chương trình Carnaval Hạ Long 2022; từ nay đến cuối năm 2022, Thành phố cũng sẽ diễn ra rất nhiều các sự kiện văn hoá, thể thao lớn như: Liên hoan Xiếc quốc tế, các môn thi đấu trong SEA Games 31, Festival hưởng ứng ngày Đại dương Thế giới 8/6; Festival áo dài, Liên hoan ẩm thực Hạ Long - Quảng Ninh 2022, Lễ hội mặt trời mọc, Carnaval mùa Đông 2022... Với việc tổ chức các sự kiện này, thành phố tin tưởng đây sẽ là cú “huých” rất mạnh mẽ để du lịch Hạ Long phục vụ trở lại.

Thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành phát triển du lịch để điều phối mọi hoạt động du lịch trên địa bàn; duy trì đường dây nóng, kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh của du khách, người dân; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá với chủ đề “Hạ Long - Kỳ quan thế giới chào đón bạn trở lại”; duy trì đảm bảo an ninh trật tự địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ, du lịch được phục hồi, phát triển mạnh mẽ, quyết tâm hoàn thành mục tiêu trong năm 2022 đón 4,5 triệu lượt khác đến với thành phố Hạ Long; khẳng định danh hiệu Hạ Long - Thành phố du lịch sạch ASEAN.

Hồng Hạnh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 42930