Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững TP Hạ Long”

Chiều 15/12, tại TP Hạ Long đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững TP Hạ Long”. Hội thảo do Thành ủy Hạ Long và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phối hợp tổ chức, là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập TP Hạ Long (1993-2023).

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long đồng chủ trì hội thảo cùng cùng đại diện Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia. Cùng dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý thuộc các cơ quan cục, viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học Trung ương, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh và thành phố Hạ Long.

Chủ toạ hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Là mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống với 3 nền văn hóa tiền sử nổi bật là Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long, có tài nguyên di sản quý báu với hệ thống danh lam, thắng cảnh, lễ hội truyền thống độc đáo, đa sắc màu, sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hạ Long đã hội tụ đầy đủ hơn các loại hình văn hóa như: văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, tạo nên sự giao thoa và kết tinh nền văn hóa đa sắc, thống nhất trong đa dạng; hình thành nên một hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc và nhân văn. Thành phố Hạ Long hiện có 96/638 di tích lịch sử - văn hóa của toàn tỉnh; trong đó có Di sản kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long; 6 di tích cấp quốc gia, 11 lễ hội độc đáo.

Đồng chí Vũ  Quyết Tiến, Bí thư Thành uỷ Hạ Long phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hạ Long, đồng chí Vũ Thị Mai Anh nhấn mạnh: thông qua hội thảo xác định rõ quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh và động lực đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống - sức mạnh “Kỷ luật - Đồng tâm”, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, nhất trí, khát vọng phát triển để xây dựng thành phố Hạ Long kiểu mẫu, giàu - đẹp, văn minh, nghĩa tình.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thành phố Hạ Long là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Ninh; có vị trí, vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Di sản văn hóa của thành phố chính là nguồn lực đặc biệt cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, đồng chí mong muốn thông qua hội thảo sẽ có nhiều hơn nữa những tư liệu, ý kiến quý báu của các học giả, các nhà nghiên cứu, diễn giả để nhận diện, đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu đó phục vụ phát triển bền vững.

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa phát biểu tại Hội thảo

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết kể từ khi được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994, UNESCO đã từng nhiều lần đưa ra khuyến nghị về vấn đề bảo tồn vịnh Hạ Long vào các năm từ 2003, 2004, 2006, 2007; 2009; 2011; 2013, 2014, 2021 và 2023 tập trung ở những nội dung về những mối đe dọa có khả năng ảnh hưởng tới giá trị nổi bật toàn cầu của di sản như: ngành công nghiệp khai thác than, xi măng, nước thải và chất thải, nuôi trồng thủy sản, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, công nghiệp hóa và đô thị hóa ở vùng đệm; các dự án phát triển kinh tế trọng điểm và các hoạt động đổ đất lấn biển tại các khu vực xung quanh khu di sản; tăng cường năng lực quản lý của Ban quản lý vịnh Hạ Long; đưa ra các quy định quản lý du khách để hạn chế tác động từ khách du lịch ở các khu vực quan trọng nhằm giảm áp lực của du khách tới di sản; cung cấp bản đồ với chỉ thị rõ ràng về các ranh giới hiện tại và vùng đệm của khu di sản...

Trước tình hình trên, bà Lê Thị Thu Hiền cho rằng, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan chức năng cần khẩn trương lập quy hoạch vịnh Hạ Long theo quy định của Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25.12.2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và pháp luật khác có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

55 tham luận tại hội thảo đã chỉ ra những tiềm năng, thế mạnh của thành phố Hạ Long về mặt di sản văn hóa, đề xuất các mô hình phát triển và giải pháp thích hợp để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa với tư cách là nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa phục vụ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà địa phương có ưu thế.

Các nhà nghiên cứu khoa học phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu cũng đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại trong quá trình khơi dậy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh thời gian qua; phân tích nguyên nhân thành công và hạn chế, đồng thời đưa ra các giải pháp khắc phục những vấn đề còn tồn tại. Bên cạnh nhận diện giá trị di sản của thành phố, việc xây dựng nguồn nhân lực cho nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng là việc cần làm song song để phục vụ phát triển bền vững.

Đánh giá tại Hội thảo, đồng chí Vũ Quyết Tiến , Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định: Ngoài việc khai thác giá trị cảnh quan của vịnh Hạ Long hàng năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan thì các điểm di tích văn hóa khác trên địa bàn chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền quảng bá, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích. Để khắc phục những tồn tại trên, năm 2024, thành phố Hạ Long sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; huy động nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã; xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và bảo vệ môi trường; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Hạ Long sẽ hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực... để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch với nguyên tắc sản phẩm du lịch phải có yếu tố đặc sắc, mang được văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa giữa tính đa dạng của nhiều loại hình và tính chuyên đề của một gói sản phẩm du lịch văn hóa. Từ đó hướng tới việc xây dựng thành phố của di sản, kỳ quan và văn hóa ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ tăng cường năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, thông tin, kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường, nhất là trên vịnh Hạ Long, xâm phạm, hủy hoại cảnh quan, công trình di tích.

Hội thảo khoa học có ý nghĩa to lớn cho thấy sự quyết tâm của thành phố Hạ Long - thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh - về thực hiện đề cương văn hóa Việt Nam, xây dựng sức mạnh văn hóa con người Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung; tạo động lực cho sự phát triển nhanh của thành phố, hướng tới trở thành thành phố sáng tạo được UNESCO công nhận, tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu và đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.

Đỗ Hương – Hồng Phương – Trần Khánh

 

 

 

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 18911