Khôi phục Chùa Vạn Thánh

Chùa Vạn Thánh thuộc cụm di tích đình, nghè Vạn Yên là một quần thể các hạng mục công trình văn hoá lịch sử, được tọa lạc trên vùng đất địa linh của Làng Vạn Yên (nay gọi là Khu phố Vạn Yên), phường Việt Hưng đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Trải qua năm tháng, chiến tranh, chùa đã bị phá bỏ, hiện còn nhiều dấu tích được lưu giữ tại bảo tàng Quảng Ninh. Những năm gần đây, chùa đang dần được phục dựng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của phật tử và nhân dân địa phương.

Giáo sư Hoàng Giáp phân tích thư tích cổ về ngôi chùa

Theo lời kể của cụ Lương Cao Lộ, khu phố Vạn Yên thì: “Năm 1941 cụ đi lễ chùa, có quan huyện về nên hội chùa tổ chức linh đình lắm. Chùa Vạn Thánh lúc đó có 4 gian, cột chùa làm bằng gỗ, to lắm, khu chùa khá rộng, có cả ruộng để nhà chùa cấy lúa. Đến năm 1976 thì chùa bị phá bỏ. Chùa chỉ còn nền đất cũ và đã giao cho dân làm ruộng canh tác. Hiện vật có một số chân cột, bia đá đã mờ, còn cái cối giã gạo, bàn đá, thung đựng nước uống, một quả chuông… hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Ninh.

Năm 1988, cụ Lộ đã dẫn một đoàn khảo cổ đến nền chùa cũ để nghiên cứu nhưng bia đá mờ quá không đọc được, xem hoa văn trên bia thì người ta bảo chùa có từ thời nhà Lê.

Theo Giáo sư Hoàng Giáp, nguyên Trưởng Phòng Sưu tầm (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) thì ngôi chùa cổ này có tên là chùa Vạn Thánh, thuộc làng Vạn Yên, tổng Vạn Yên, châu Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên (nay là khu phố Vạn Yên, phường Việt Hưng, thành phố Hạ Long) được xây từ thời Lê Trung Hưng. Giáo sư Hoàng Giáp cũng đã tìm thấy hương ước của làng được các cụ chánh tổng, lý trưởng cho chép lại vào khoảng những năm 1936 đến 1944. Vì nằm ở làng đầu tổng nên cùng với đình, nghè Vạn Yên, chùa Vạn Thánh có vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hoá tinh thần, tín ngưỡng của người dân tổng Vạn Yên xưa. Tài liệu này ghi chép rất cụ thể về làng xóm, thờ cúng, khuyến học và có ghi chép về ngôi chùa Vạn Thánh (tức chùa Vạn Yên sau này).

Ngôi chùa được phục dựng lại

Nguyện vọng của người dân địa phương mong mỏi chùa được phục dựng. Do đó, khu phố đã tổ chức họp dân, toàn bộ đều đồng thuận xây lại chùa và đã có vài hộ dân sẵn sàng cúng dường tiền tài, công sức để xây chùa trên nền đất cũ. Giáo sư Hoàng Giáp cũng thấy rằng nên phục dựng lại chùa Vạn Yên và giữ nguyên tên cổ là Vạn Thánh. Việc làm đó càng có ý nghĩa bởi như lý giải của Giáo sư Hoàng Giáp, hiện chưa tìm thấy trong khu vực lân cận một ngôi chùa nào có tầm vóc văn hoá xứng tầm hơn chùa Vạn Thánh. Và đây sẽ là một công trình tâm linh có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân địa phương.

Sư trụ trì và phật tử thực hiện nghi thức đúc chuông

Năm 2023, từ nguồn công đức của các đơn vị, doanh nghiệp, nhân dân và các Phật tử trong và ngoài tỉnh, chùa Vạn Thánh đã dần được khôi phục với các công trình, hạng mục như: Chùa, nhà tăng, tả vu chùa, hữu vu chùa, Tam quan, tháp chuông, lư hương, đài sen, hồ nước, và nhiều công trình phụ trợ…

Phật tử Vũ Ngọc Tín, tổ 1, khu Vạn Yên, phường Việt Hưng chia sẻ: “Chùa có di tích từ lâu nhưng bị Đế quốc tàn phá. Nay các sư thầy về khôi phục lại ngôi chùa Vạn Thánh nhân dân rất hoan hỉ. Hàng ngày, chúng tôi đến chùa để thưởng thức phong cảnh tụng kinh niệm phật, cầu cho thế giới hoà bình, quốc thái dân an. Chúng tôi đến chùa này thấy tâm hồn rất thoải mái”.

Ngày 21/10/2024, Ban quản lý Chùa Vạn Thánh đã tổ chức Đại lễ đúc Đại Hồng Chung bằng đồng nặng trên 700 kg. Việc đúc chuông có vai trò rất quan trọng, không chỉ là sự bày tỏ lòng thành kính, tín ngưỡng của người dân mà còn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Niềm mong mỏi của người dân được tham quan, chiêm bái

Đại đức Thích Tuệ Sỹ, trụ trì chùa Vạn Thánh, phường Việt Hưng cho biết: “Chùa Vạn Thánh là một ngôi chùa cổ có lâu đời. Chùa Vạn Thánh nói riêng hiện tại các di chỉ về mặt văn bia hiện tại không còn. Các công trình của chùa đang được trùng tu nhờ sự hỗ trợ của tâp đoàn Thành Công. Chùa Vạn Thánh cũng như bao ngôi chùa khác là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, thể hiện niềm tin của đồng bào phật tử và nhân dân sở tại đối với đức phật”.

Được biết, việc phục dựng lại chùa Vạn Thánh được thực hiện trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn cơ bản các yếu tố gốc cấu thành di tích, thể hiện đậm nét kiến trúc truyền thống.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngôi chùa cổ Vạn Thánh nay đã từng bước được khôi phục lại diện mạo huy hoàng năm xưa từ sự chung tay đóng góp, hảo tâm công đức của doanh nghiệp, người dân, du khách bốn phương.

Trần Thanh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 36761

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẠ LONG

CƠ QUAN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: UBND Thành phố Hạ Long

Số Giấy phép: 100/GP-STTT ngày 09/08/2024
Quản lý nội dung các cổng thành phần: Thủ trưởng các đơn vị, địa phương
Địa chỉ: Số 2 phố Bến Đoan, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.825.408     -      Fax: 0203.361.1792;

Email: ubndhl@quangninh.gov.vn

 

CƠ QUAN QUẢN LÝ: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố Hạ Long

Địa chỉ: Số 369, đường Trần Quốc Nghiễn, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.611.791

Email: ttttvvh.hl@quangninh.gov.vn ..