Lễ hội Đại Kỳ Phúc đình, nghè Vạn Yên

Trong 2 ngày 26-27/12 (tức 14-15/11 âm lịch), UBND phường Việt Hưng tổ chức Lễ hội Đại Kỳ Phúc đình, nghè Vạn Yên năm 2023 để tạ ơn các vị Thành Hoàng đã phù hộ cho nhân dân phường và du khách thập phương.

Dự Lễ hội có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị của thành phố; các đồng chí nguyên là lãnh đạo thành phố và phường Việt Hưng; các cụ cao niên cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố và ban quản lý Đình đánh trống, chiêng khai Hội

Theo sử liệu, đình nghè Vạn Yên (phường Việt Hưng) nằm trong cụm di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng.

Theo bút tích ngày 12/5/1938 của hai cụ Chánh Tổng Vũ Văn Thuý và Lý trưởng Nguyễn Văn Triều còn ghi lại thì làng Vạn Yên lúc đó thuộc tổng Vạn Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên. Đình làng phối thờ các vị thần: Cao Sơn Đại vương, vị thần có công dẹp nạn hổ dữ, đánh đuổi quân Thục ra khỏi đất nước; Không Lộ Thiền sư có phép biến hoá dị thường, một danh y nổi tiếng, người khôi phục nghề đúc đồng; Phạm Phu Tế Tôn thần, vị thần có công đánh đuổi giặc Nguyên ra khỏi bờ cõi nước ta. Có một vị nhân thần chỉ ghi trong sắc phong là “Trần triều đại tướng quân phụ quốc chiêu ứng Phạm Đại Tôn thần” là một người có công lớn giúp Hưng Đạo Đại vương đánh giặc Nguyên Mông mà không rõ tên tuổi thật cũng như hành trạng ra sao…

Lễ tế thần

Ngoài lễ Đại Kỳ Phúc, hàng năm nhân dân còn tổ chức nhiều lễ hội khác như: Lễ Tiểu Kỳ Phúc (ngày rằm tháng hai), lễ Chạp Thần (ngày mùng 10 tháng chạp), lễ Kỳ Yên (ngày mùng một và ngày rằm tháng tư), lễ Thượng Điền, lễ Hạ Điền...

Rước kiệu đưa Thành Hoàng từ đình về nghè

Trong khuôn khổ Lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động truyền thống ý nghĩa như: ôn lại lịch sử văn hoá đình nghè, nổi trống, chiêng khai hội, dâng hương, tế lễ dâng lên các vị Thần các sản vật của địa phương; tổ chức rước kiệu, đưa Thành Hoàng từ nghè về đình và từ đình về nghè. Nhân dân và du khách tiến cúng, dâng sớ lên các vị Thần: cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu cho quốc thái dân an, vạn đại trường tồn.

Phần Hội với một số hoạt động văn hoá, văn nghệ thể dục thể thao dân gian

Đông đảo người dân, du khách tham gia, cổ vũ

Nét mới của Lễ hội năm nay là BTC đã phục hồi lại một số trò chơi dân gian như: kéo co, bắt vịt; tổ chức đêm giao lưu văn nghệ với nhiều tiết mục đậm nét dân gian như hát chèo, quan họ, hát chầu văn, múa sạp… do các diễn viên không chuyên đến từ các khu phố biểu diễn. Những hoạt động này góp phần lưu giữ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân và du khách, rèn luyện sức khỏe, trí thông minh, tài khéo léo, nêu cao tinh thần đoàn kết. Từ đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất, thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành phố lập thành phố Hạ Long (27/12/1993 - 27/12/2023).

Trần Thanh – Lương Huấn

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 23018