Những điều cần biết về tài khoản định danh điện tử

Theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, bắt đầu từ ngày 20/10/2022, công dân Việt Nam chính thức được sử dụng tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) để thực hiện một số giao dịch hành chính, dân sự. Vậy tài khoản ĐDĐT là gì và có lợi ích như thế nào?

Theo Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), TKĐDĐT là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển (VNeID). Việc cấp TKĐDĐT do cơ quan Công an cấp khi người dân đến làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip, hoặc đến xin cấp TKĐDĐT nếu đã có CCCD gắn chip.

Tài khoản ĐDĐT mức độ 2 có giá trị như thẻ CCCD gắn chíp từ ngày 20/10/2022

Trên nền tảng CSDLQG về dân cư và việc triển khai cấp, quản lý CCCD gắn chip cho công dân được Bộ Công an triển khai từ năm 2021, khi công dân, doanh nghiệp sử dụng TKĐDĐT hay danh tính điện tử để thực hiện các dịch vụ công, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo bằng tay như trước đây. Nhờ vậy, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết. Tài khoản này thực sự phát huy hiệu quả khi công dân thực hiện các thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 như hiện nay.

Để TKĐDĐT phát huy hiệu quả thực sự, công dân cần cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại di động; đồng thời tích hợp các loại giấy tờ tùy thân như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội vào CCCD gắn chip.

Từ đây, chỉ cần quét mã QR trên ứng dụng, có thể thay thế CCCD vật lý và các loại giấy tờ, thậm chí, có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...).

Việc tích hợp các loại giấy tờ vào CCCD gắn chip cũng được thực hiện tại cơ quan Công an. Hiện nay, việc đăng ký TKĐDĐT chưa bắt buộc nhưng lực lượng Công an khuyến khích và vận động mọi công dân từ đủ 14 tuổi trở lên nên làm sớm, vì sau này các dịch vụ công đều sẽ thực hiện thông qua tài khoản này.

Liên quan đến vấn đề bảo mật, không ai có thể mạo danh cá nhân, tổ chức trong thực hiện các giao dịch do thông tin được xác thực từ CSDLQG về dân cư là dữ liệu gốc được Bộ Công an quản lý; đảm bảo an toàn trong quá trình giao dịch điện tử trên môi trường mạng. 

Về quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử, khi công dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip thì có thể thực hiện đăng ký cấp TKĐDĐT. Những giấy tờ cần chuẩn bị như sau:

+ CCCD gắn chip điện tử (đối với người đã được cấp CCCD gắn chip điện tử).

+ Thẻ bảo hiểm y tế và các loại giấy tờ tùy thân khác như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, mã số thuế (nếu có) để tích hợp vào TKĐDĐT.

Công an TP Hạ Long và các phường triển khai các tổ lưu động cấp và kích hoạt tài khoản ĐDĐT, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID.

Hiện tại, Công an Thành phố Hạ Long và công an các phường xã đang triển khai cấp CCCD gắn chíp cùng với tài khoản ĐDĐTcho các công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Ngoài việc thực hiện các thủ tục trên tại Trung tâm HCC Thành phố, các đơn vị còn bố trí các tổ lưu động để phục vụ người dân và phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ dân, khu phố trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi về lợi ích và các thủ tục đăng ký, cách sử dụng tài khoản ĐDĐT để nhân dân được biết.

Thu Hường


 

 

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 8521