Phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống

Việt Nam có rất nhiều lễ hội truyền thống, trải dài từ bắc tới nam với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau. Tùy theo từng vùng miền, lễ hội được tổ chức xuyên suốt 4 mùa xuân - hạ - thu - đông; song nhiều nhất là vào độ tết đết xuân về với niềm tin về năm mới tốt đẹp hơn. Thông qua các lễ hội cũng là dịp để mọi người vui chơi, giải trí sau 1 năm lao động sản xuất; đồng thời bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thành phố Hạ Long có một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai), lễ hội đình Giang Võng (phường Hà Khánh), lễ hội đình nghè Vạn Yên (phường Việt Hưng), lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi), lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu, hội làng đầu năm của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả… Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng thường hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như: anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công với dân với nước; hoặc để tưởng nhớ ông bà tổ tiên…

Lễ hội Đình Giang Võng (phường Hà Khánh)

Lễ hội truyền thống đã tồn tại từ lâu đời và có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội, là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng thụ. Thông qua lễ hội, các nghi lễ truyền thống được tái hiện, kể lại những sự tích, công trạng của các bậc tiền nhân, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho các tầng lớp nhân dân - nhất là thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình.

Không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh các vị thần, những anh hùng lịch sử hay người có công đức với dân tộc; lễ hội còn thể hiện sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người giãi bày những khó khăn, mong được thần linh chở che, giúp đỡ để vượt qua thử thách. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại là rất cần thiết.

Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi)

Trong những năm gần đây, một số lễ hội ở Hạ Long sau thời gian dài bị mai một đã được phục dựng, tổ chức thường niên với quy mô lớn hơn như lễ hội đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ, hội làng Bằng Cả... Trong đó, phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng; phần hội được bổ sung thêm nhiều yếu tố mới như tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, hội diễn văn nghệ, các chương trình biểu diễn võ thuật, nghệ thuật… giúp cho lễ hội ngày càng sôi nổi, thu hút nhân dân và du khách.

Theo bà Vũ Thị Vân Oanh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố Hạ Long, trên địa bàn thành phố hiện có gần 100 di tích lịch sử - văn hóa và các di tích cách mạng; trong đó có nhiều di tích có lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm. Thời gian qua Thành phố đã rất quan tâm đên công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của các di tích lịch sử, văn hóa, thực hiện nhiều biện pháp xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo. Đồng thời, việc tuyên truyền để người dân nắm rõ các giá trị của di tích cũng được chú trọng nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân và giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn thành phố. Các lễ hội trên địa bàn ngày càng được đầu tư và phát huy giá trị, được chính quyền địa phương quan tâm; không chỉ phục vụ người dân tại địa phương đó mà đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái và thưởng thức các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn.

Hội làng của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả

Ngoài những lễ hội lịch sử, lễ hội tôn giáo thì Tết nguyên đán cũng được coi là một lễ hội dân gian truyền thống vô cùng đặc biệt, là lễ hội lớn nhất trong năm với quy mô tổ chức trên toàn quốc, được mong chờ và tham gia hưởng ứng của tất cả người dân.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, tết nguyên đán trên địa bàn TP Hạ Long được tổ chức tưng bừng, rộn rã với hàng loạt hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao như: hội hoa xuân và trưng bày sinh vật cảnh trước tết, biểu diễn văn nghệ và bắn pháo hoa đêm giao thừa, giao lưu văn nghệ và thi đấu thể thao đầu xuân… Tại nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, các hoạt động vui xuân đón tết đã được tổ chức sôi nổi từ giữa tháng chạp, tạo nên không khí vui tươi, rộn rã, háo hức đón chào năm mới.

Có thể nói, đối với người dân Việt Nam nói chung, người dân Hạ Long nói riêng, lễ hội truyền thống đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Song để đảm bảo cho các lễ hội vui tươi và lành mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp để ngăn chặn các hoạt động mê tín dị đoan, chống biểu hiện thương mại hóa lễ hội… Việc tổ chức và quản lý tốt lễ hội là thiết thực bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cổ truyền, góp phần vun đắp và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Phương Loan – Huy Phương

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 2353