Phụ nữ Hạ Long chung tay phát triển kinh tế xanh, bền vững
Giai đoạn 2020-2025, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, sự suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, việc phát triển bền vững và kinh tế xanh ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhận thức được điều đó, Hội LHPN thành phố Hạ Long đã triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; 5 có, 3 sạch” gắn với phong trào phụ nữ phát triển kinh tế giỏi. Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động và phong trào đã trở thành điểm sáng, có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.
Phụ nữ Hạ Long “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; 5 có, 3 sạch” gắn với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh
"Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, 5 có 3 sạch" là cuộc vận động có ý nghĩa thiết thực, định hướng rõ những việc để phụ nữ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc và bảo vệ môi trường. Đồng thời gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng cùng hưởng ứng.
Để cuộc vận động triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ, cộng đồng tham gia cũng như sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, LHPN Thành phố đã gắn các tiêu chí của cuộc vận động với các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng xã, phường đạt tiêu chuẩn văn minh.
Phụ nữ Hạ Long vì một Hạ Long xanh
Với tiêu chí “ Sạch nhà - sạch bếp - sạch ngõ”, các cấp Hội phụ nữ đã lồng ghép tuyên truyền kiến thức, kỹ năng và vận động hội viên, phụ nữ thực hiện: bảo vệ môi trường, sắp xếp nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác thải, sử dụng những sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường, ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh, khơi thông cống rãnh, giữ vệ sinh nguồn nước, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.
Cùng với đó, hội phụ nữ các cấp tích cực tham gia các phong trào làm đường, mô hình bảo vệ môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, trồng các tuyến đường hoa tạo cảnh quan đô thị, xây dựng vườn nông thôn mới.
Trong 5 năm, Hội phụ nữ các cấp đã: Hỗ trợ gạch tạo gần 700m lối đi trong vườn, huy động 30 ngày công dọn dẹp, tạo cảnh quan môi trường cho 6 vườn Nông thôn mới; vận động 351 hộ gia đình hộ gia đình hiến trên 4500 m2 đất, tham gia 3500 ngày công, ủng hộ trên 1,1 tỷ đồng để làm các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ và vận động 324 hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 4.200 hộ gia đình mua sắm 4.450 thùng rác, tái chế 950 thùng sơn để rác. Ngoài ra, hội còn hỗ trợ bao đựng rác, túi và các chế phẩm sinh học, túi đi chợ làm từ các vật liệu tái chế...
Các cấp Hội cũng đã xây dựng, duy trì và nhân rộng 314 mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm, thu hút trên 47.000 hội viên tham gia, tiêu biểu như mô hình “Nhà pin”, “Ngôi nhà xanh – Trái tim xanh”; “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp”, “Tuyến đường không rác”, “Tuyến đường hoa”, “Phân loại rác thải, biến rác thành tiền”, “đan làn, túi vải từ bạt tái chế”, "ủ phân hữu cơ từ rác".
Để bảo vệ môi trường, Hội LHPN thành phố đã phát động Chiến dịch “15.000 phụ nữ chung tay làm sạch môi trường vì một Hạ Long Xanh - Sạch - Đẹp”; duy trì các hoạt động “Ngày chủ nhật xanh” gắn với triển khai thực hiện Đề án “Thành phố của Hoa”, thu gom trên 1.200 tấn rác, làm sạch các tuyến đường, nhà văn hóa, các điểm công cộng, bờ biển; trồng 45.000 cây xanh, trên 3000 gốc hoa, vẽ 1.490m tranh tường, trồng 20 km đường hoa các loại, huy động máy để thu dọn chậu hoa, cây cảnh, thùng xốp trồng rau… theo Chỉ thị 20 của Thành uỷ.
Bên cạnh đó Hội LHPN thành phố phối hợp, tạo điều kiện cho 1425 hộ vay qua chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với tổng dư nợ trên 32 tỷ đồng để cải tạo trên 1.500 công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với tiêu chí 5 không: "không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng”, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cấp hội còn tập trung xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về an ninh trật tự, chăm sóc trẻ em. Hội Phụ nữ Thành phố đang duy trì 84 CLB về an ninh trật tự, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững như: Chi hội phụ nữ nòng chốt thực hiện pháp luật; Mô hình an ninh cơ sở; CLB phụ nữ với pháp luật, CLB chăm sóc trẻ thơ... với 2.700 thành viên.
Các cấp Hội phụ nữ đặc biệt quan tâm đến tiêu chí “không đói nghèo” trên cơ sở đánh giá, phân loại theo các nguyên nhân để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn thoát nghèo bền vững. Hội đã phối hợp với các ngân hàng nhận ủy thác cho 6.463 hộ vay với số tiền trên 394 tỷ đồng; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm khám chữa bệnh, phát thuốc, mỗ mắt miễn phí, tặng thẻ BHYT, xe đạp… trị giá hàng trăm triệu đồng. Hỗ trợ hàng tháng cho 30 gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế với tổng số tiền trên 350 triệu đồng; đỡ đầu 54 trẻ em mồi côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với trên 790 triệu đồng.
Hội LHPN thành phố phối hợp tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn
Để thực hiện các tiêu chí “5 có”: “Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa”, ngay từ đầu năm, các cấp hội rà soát để giúp đỡ đối tượng phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu xây, sửa nhà, hỗ trợ cây, con giống. Đồng thời tích cực vận động quỹ “Mái ấm tình thương” và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị... Qua đó, đã giúp đỡ 49 gia đình sửa chữa, xây nhà trị giá 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ 32 con lợn giống, 960kg cám cho 16 hộ, 1.000 con gà giống cho 20 hộ để có kế sinh nhai, vươn lên thoát nghèo. Bằng các hoạt động thiết thực trên Hội LHPN các cấp góp phần chung tay hoàn thành chương trình mục tiêu giảm nghèo của toàn thành phố.
Hội phụ nữ thành phố vận động các nhà hảo tâm xây nhà cho hội viên
Để có sức khoẻ và nếp sống văn hóa, Hội LHPN Thành phố đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chỉ đạo 100% cơ sở Hội triển khai hiệu quả các mô hình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao hoạt động từ thôn, khu phố duy trì hiệu quả. Đến nay toàn thành phố có 247 câu lạc bộ, tổ nhóm về xây dựng đời sống văn hóa, văn minh thu hút trên 9.100 thành viên tham gia. Qua đó đã cổ vũ, phát triển và nhân rộng mô hình văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao quần chúng, nâng cao chất lượng, lan tỏa phong trào Dân vũ - Khiêu vũ, bóng chuyền hơi, góp phần phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Hạ Long.
Ngoài ra, Hội phụ nữ các xã tích cực phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, Đoàn Thanh niên mở các lớp học tiếng Dao, thêu may trang phục dân tộc, huy động hội viên mặc trang phục dân tộc Dao, Tày đi làm vào thứ 2 đầu tuần và tham gia các lễ hội để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.
Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, các cấp Hội phụ nữ cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền; huy động hàng chục nghìn cán bộ, hội viên tham gia các tổ Covid cộng đồng, tổ liên gia tự quản, hỗ trợ lẫy mẫu test nhanh. Cùng với đó, hội phụ nữ các cấp còn ủng hộ các trang thiết bị phòng chống dịch, nhu yếu phẩm với kinh phí trên 1 tỷ đồng; thăm tặng quà trên 1200 gia đình hội viên phụ nữ là F0, F1 với tổng số tiền trên 135 triệu đồng.
Với những việc làm hiệu quả, thiết thực trong triển khai thực hiện mô hình “Xây dựng gia đình 5 không, 5 có, 3 sạch” đã tạo chuyển biến tích cực, hình thành nếp sống mới trong hội viên phụ nữ trên địa bàn Thành phố. Đến nay đã có 1.175 gia đình đạt “5 không 3 sạch”, 389 gia đình hội viên thực hiện “5 có, 3 sạch’, thành lập được 04 CLB "5 không 3 sạch", " 5 có, 3 sạch”. Từ đó, tạo điều kiện cho chị em được học tập, trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, bảo vệ môi trường; khẳng định vai trò nòng cốt của phụ nữ trong xây dựng NTM ở các địa phương.
Phụ nữ phát triển kinh tế giỏi, kinh tế xanh, bền vững.
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025; Nghị quyết số 78-NQ/TU ngày 02/01/2024 của Ban Thường vụ Thành uỷ về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025; định hướng đến năm 2030, Hội LHPN Thành phố tích cực tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cũng như duy trì và phát triển các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ nguồn vốn… Từ đó giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tiếp cận với khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, kết hợp phát triển kinh tế rừng gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng các biện pháp về chuyển giao khoa học công nghệ để phát triển các mô hình kinh tế.
Trong 5 năm, hội phụ nữ các cấp đã tổ chức 30 lớp tập huấn, dạy nghề lao động ngắn hạn cho 1.500 hội viên, phụ nữ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, kỹ thuật chuyển giao khoa học công nghệ trong trồng trọt, nghề nấu ăn, nghề đan móc, cắm hoa, nấu ăn; Phối hợp hỗ trợ 05 mô hình phát triển kinh tế nuôi gà, ươm keo giống; hướng dẫn 8.500 hộ kinh doanh cá thể, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm OCOP; Hướng dẫn 03 cá nhân, tập thể tham gia Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo giảm thải rác thải nhựa và tái chế các sản phẩm thân thiện với môi trường”. Thành lập 02 hợp tác xã, 02 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế. Đồng thời duy trì hiệu quả 25 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế với 744 hội viên tham gia; hỗ trợ các hộ dân, các Hợp tác xã tiếp cận vay vốn từ các ngân hàng với số tiền hàng trăm tỷ đồng; giới thiệu, giải quyết việc làm cho trên 1.000 nữ lao động.
Mô hình tái chế rác thải không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động nữ, thúc đẩy du lịch trải nghiệm phát triển
Nhờ đó, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” đã được nhiều chị em hưởng ứng. Các chị đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung và liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hoá. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, cho thu nhập ổn định như: Mô hình trồng nấm tại xã Quảng La thu nhập 60 triệu đồng/năm. Mô hình đan làn, túi vải từ bạt tái chế tại các phường Hà Trung, Hà Phong, Hà Khẩu, Bãi Cháy thu nhập 70 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 20 lao động. Mô hình “Phân loại rác thải, biến rác thành tiền” thu được trên 2,3 tỷ đồng. Mô hình đan làn, túi vải từ bạt tái chế tại phường Hà Trung, Hà Phong, Hà Khẩu với trên 3.000 sản phẩm đã thu được trên 100 triệu đồng/năm.
Những mô hình này không chỉ phù hợp với từng địa phương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nữ. Các sản phẩm đưa ra thị trường luôn đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để duy trì hiệu quả các mô hình kinh tế, Hội LHPN Thành phố luôn quan tâm, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyên vọng và có giải pháp đồng hành cùng hội viên. Hội LHPN Thành phố hỗ trợ 02 máy khâu, hướng dẫn dạy nghề, tìm nguyên liệu đầu vào, hỗ trợ đầu ra cho 04 tổ phụ nữ thực hiện mô hình ”Tái chế sản phẩm từ nhựa”; tặng 100 bộ bảo hộ lao động cho 100 hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế; 20 bộ bảo hộ lao động cho 20 lao động nữ thu gom rác tại Chợ Hạ Long I. Cùng với đó, Hội LHPN thành phố còn hướng dẫn 28 hội viên đăng ký thực hiện mô hình trồng 1,8 mẫu bí xanh, 5,2 mẫu bí đỏ, hỗ trợ 1.000 con gà giống cho 15 gia đình hội viên phát triển kinh tế; Hỗ trợ 150 hội viên quảng bá sản phẩm nông nghiệp.
Trong đợt dịch Covid -19, Hội LHPN Thành phố đã hỗ trợ tiêu thụ 28 tấn ổi có trị giá 280 triệu đồng, 35 tấn dưa hấu cho gia đình hội viên và nông dân.
Những kết quả đạt trên đã phần nào khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong phát triển kinh tế nói chung, kinh tế xanh nói riêng. Họ không chỉ là những người trực tiếp tham gia sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng lương thực sạch và an toàn cho cộng đồng, mà còn thể hiện tinh thần đổi mới và sáng tạo vượt trội. Phụ nữ trở thành những nhà tiên phong, đưa ra các ý tưởng đột phá và ứng dụng những phương pháp sản xuất bền vững, góp phần tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, họ còn đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các tổ chức hợp tác xã, các dự án cộng đồng, trở thành người truyền cảm hứng và dẫn dắt cộng đồng hướng đến các mô hình kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Với sự đóng góp không ngừng nghỉ của phụ nữ, các mô hình kinh tế xanh không chỉ mang lại giá trị to lớn về mặt kinh tế mà còn đóng góp vào việc duy trì và phát triển bền vững hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống và tạo ra nền tảng vững chắc cho tương lai.
Với sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 5 có - 3 sạch” gắn với phong trào Phụ nữ phát triển kinh tế xanh, bền vững đã trở thành điểm sáng, có sức lan toả sâu rộng, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên trên địa bàn Thành phố. Qua đó, giúp các chị em nâng cao nhận thức, có thêm kiến thức để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Nhờ đó mà cũng tăng cường khối đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng đô thị văn minh, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương để cùng nhau xây dựng Thành phố Hạ Long “Sinh thái - Giàu đẹp - Văn minh - Nghĩa tình”.
Trần Thanh
Tin tức khác
- Ngày đầu vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp: chính quyền sẵn sàng, nhân dân kỳ vọng.
- Cán bộ và nhân dân phường Hồng Gai đã tham dự trực tuyến Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
- Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất
- Thường trực Thành ủy giao ban công tác tuần từ 9/6-15/6/2025
- Tập huấn triển khai tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025