Quan tâm, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa
TP Hạ Long sở hữu 96/638 di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh. Nhằm phát huy giá trị các di tích, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua Thành phố đã quan tâm, dành nguồn lực để đầu tư, tôn tạo các di tích, đặc biệt là các di tích đã bị xuống cấp qua thời gian.
TP Hạ Long sở hữu 96 di tích lịch sử văn hóa
Đền thờ vua Lê Thái Tổ (vua Lê Lợi) tại xã Lê Lợi, TP Hạ Long là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được UBND Tỉnh xếp hạng năm 2003. Đền được xây dựng cuối thế kỷ XV, tọa lạc trên một gò đất bằng phẳng, xung quanh là sông nước. Tại đền hiện còn lưu giữ 5 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng vào năm 1821 và năm 1846. Với những giá trị về lịch sử và yếu tố tâm linh, đền thờ vua Lê Thái Tổ là nơi thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng lân cận đến tham quan, chiêm bái.
Thi công đường giao thông kết nối vào đền vua Lê Thái Tổ (xã Lê Lợi)
Để khai thác, phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, thành phố đang triển khai dự án cải tạo, mở rộng ngôi đền này. Cuối năm 2023, TP Hạ Long đã đầu tư cụm các dự án thuộc đền Vua Lê Thái Tổ, trong đó, giai đoạn 1đã hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối vào đền giai đoạn 1, dài 610m, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng. Hiện TP đang triển khai giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án, tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường giao thông và đầu tư hạ tầng, cảnh quan của Đền. Ông Phạm Đăng Khoa, thôn An Biên, xã Lê Lợi cho biết: Đền thờ vua Lê là biểu tượng trong đời sống tín ngưỡng, tinh thần của người dân xã Lê Lợi nói chung, TP Hạ Long nói riêng. Di tích được thành phố quan tâm đầu tư, tôn tạo, nhân dân rất phấn khởi và mong mỏi công trình sớm hoàn thành, tạo điểm đến cho nhân dân và du khách thập phương.
Đền Bà Chúa (Phường Bạch Đằng) mới được đầu tư, tôn tạo, khánh thành tháng 1/2025.
Đền Bà Chúa (đường Trần Quốc Nghiễn, phường Bạch Đằng) cũng là một điểm di tích vừa được TP Hạ Long đầu tư, khánh thành vào cuối năm 2024. Công trình tổng mức đầu tư khoảng 23,7 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
Miếu Bà Chúa nằm ở khu vực chân núi Bài Thơ, cạnh lạch nước nhỏ dẫn sâu vào trong đất liền, nơi thuyền bè qua lại nhộn nhịp. Lúc hình thành, đền Bà Chúa chỉ là ngôi miếu nhỏ. Đến nay, sau khi tu bổ, ngôi đền thờ có diện tích khoảng 132m2; có nghi môn gia công bằng đá, nhà tả-hữu vụ và các hạng mục phụ trợ khác.
Cùng với 2 công trình trên, nhiều di tích lịch sử văn hóa khác cũng đang được TP đầu tư, tôn tạo nổi bật như: Cụm văn hóa Núi Bài Thơ, đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai); đình làng Bang (xã Thống Nhất)…
Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Gai) đang được đầu tư, tôn tạo.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2025 thành phố tiếp tục ưu tiên nguồn lực để lập quy hoạch bảo tồn các công trình lịch sử, văn hóa, di tích, qua đó giúp các di tích trường tồn cùng thời gian và lịch sử, lưu giữ các giá trị văn hóa, tinh thần, đồng thời còn tạo thêm các điểm đến du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Thu Hường
Tin tức khác
- Ngày đầu vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp: chính quyền sẵn sàng, nhân dân kỳ vọng.
- Cán bộ và nhân dân phường Hồng Gai đã tham dự trực tuyến Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
- Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất
- Thường trực Thành ủy giao ban công tác tuần từ 9/6-15/6/2025
- Tập huấn triển khai tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025