Sự hài lòng của người dân – Thước đo hiệu quả xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay 12/12 xã của thành phố Hạ Long đều đã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. TP đang chuẩn bị lấy ý kiến sự hài lòng của nhân dân trên địa bàn để hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xem xét, công nhận Thành phố Hạ Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long) triển khai thực hiện từ năm 2010. Trước khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, 12 xã trên địa bàn thành phố có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2010 còn 13,1%); thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2010 mới chỉ đạt 11,2 triệu đồng/người/năm); diện tích tự nhiên lớn nhưng chủ yếu là rừng, núi; mật độ dân số thấp, người dân sống rải rác không tập trung; địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối, đồi núi, giao thông đi lại khó khăn.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm trọng điểm, phù hợp điều kiện thực tế, đặc biệt phát huy vai trò chủ thể, huy động sự đồng tình hưởng ứng, vào cuộc mạnh mẽ của người dân, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được kết quả hết sức quan trọng.
12 xã trên địa bàn thành phố đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 16 công trình nước sinh hoạt tập trung, 04 hồ chứa nước, kiên cố hóa 87,352km kênh mương và nâng cấp, nhựa hoá, bê tông hoá 527,2km đường giao thông nông thôn; nâng cấp, xây mới 26 trường học; xây dựng thêm 07 nhà văn hóa và khu thể thao xã và 54 nhà văn hóa thôn, 02 chợ xã đạt chuẩn. Hệ thống hạ tầng nông thôn đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa, hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp được nâng lên tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.
Với nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân
Sản xuất nông nghiệp trong những năm qua có bước phát triển rõ nét theo hướng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung, quy mô lớn, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Giai đoạn 2011 - 2021, thành phố đã dành trên 85,3 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung, hỗ trợ lãi suất và thực hiện phát triển sản phẩm OCOP. Từ các dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng hoa, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng cây dược liệu, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nông sản của các xã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài thành phố ưa thích và trở thành sản phẩm đặc trưng của thành phố, thường xuyên tham gia các kỳ hội chợ OCOP do tỉnh và các huyện, thị tổ chức (ổi, cam, hoa..). Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ xây dựng vùng trồng ổi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Sơn Dương cho 29 hộ dân với 7 ha đã được cấp giấy chứng nhận an toàn VietGAP. Đến hết năm 2021, trên địa bàn Thành phố có 69 sản phẩm tham gia chu trình OCOP, trong đó có 31 sản phẩm OCOP đã được cấp giấy chứng nhận đạt từ 3 sao đến 5 sao.
Nhiều mô hình kinh tế được người dân tích cực tham gia phát triển, nâng cao thu nhập
Từ các mô hình, dự án phát triển sản xuất đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững, hiện nay trên địa bàn các xã không còn hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí Trung ương; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 11,2 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 61,2 triệu đồng/người/năm (năm 2021).
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục và đào tạo nghề, y tế , vệ sinh môi trường cũng được quan tâm. 72/72 thôn của 12 xã đã xây dựng đạt chuẩn nhà văn hóa đạt chuẩn; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông và có internet đến thôn; 97% thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, 91% hộ gia đình tại các xã đạt gia đình văn hóa. Các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể thao được các xã triển khai thực hiện có hiệu quả.
Nhà văn hóa xã và nhà văn hóa các thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm đầu tư, đến hết năm 2021 có 29/29 trường học đạt chuẩn Quốc gia; Tỷ lệ trẻ đến trường đối với cấp tiểu học đạt 99,9%; THCS đạt trên 99,8%; THPT đạt trên 82%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm và gắn liền với các dự án đang được triển khai trên địa bàn, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,5%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt 96,1%.
Các xã thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế toàn dân, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%; 100% xã có bác sỹ, đảm bảo đủ cơ cấu chuyên môn và đạt chuẩn quốc gia về y tế.
100% các hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, 100% cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ gia đình, doanh nghiệp, HTX có cam kết hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường; 12/12 xã có bộ phận dịch vụ thu gom, xử lý rác thải; trên 90% các hộ dân có nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.
100% các hộ dân nông thôn đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh
Các lực lượng vũ trang trên địa bàn duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống, phối hợp trong công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn...; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã được giữ vững. 12/12 xã đều đạt tiêu chí an ninh, trật tự xã hội. Hàng năm số tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt từ 70% trở lên.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, 12/12 xã của thành phố Hạ Long đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, thành phố đang triển khai các bước lấy ý kiến của người dân trên địa bàn về sự hài lòng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố nhằm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận thành phố Hạ Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo hướng dẫn của Ban trường trực UB trung ương MTTQ Việt Nam, việc lấy phiếu phải đảm bảo tỷ lệ là 65% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Theo thống kê dân số tính đến 31/12/2021 trên địa bàn thành phố Hạ Long có tổng số 95.425 hộ dân; để bảo đảm tỷ lệ theo yêu cầu, thành phố sẽ tiến hành lấy ý kiến của 62.026 hộ trên toàn địa bàn 33 phường, xã.
Mẫu phiếu lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố
UB.MTTQ thành phố đã phối hợp với UB.MTTQ tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn công tác lấy phiếu cho lãnh đạo Đảng ủy – UBND – UB.MTTQ các phường xã và cán bộ công tác mặt trận các thôn, khu trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thành lập 6 tổ công tác để tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia việc lấy phiếu ý kiến đạt kết quả tốt, đảm bảo tỷ lệ và tiến độ.
Ngày 19-20/3, việc lấy phiếu ý kiến sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố sẽ được làm điểm tại 4 xã, phường là Tân Dân, Đồng Lâm, Việt Hưng, Hà Phong. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các địa phương làm điểm, 29 xã, phường còn lại sẽ đồng loạt triển khai thực hiện vào trung tuần tháng 4. Kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố sẽ được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn/khu, trụ sở UBND xã/phường và trên hệ thống thông tin của thành phố.
Diện mạo các xã nông thôn mới đang ngày càng khởi sắc; khoảng cách giữa nông thôn và đô thị đang được rút ngắn
Với chủ trương dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra và dân thụ hưởng, chặng đường xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hạ Long hơn 1 thập kỷ qua đã chứng minh: để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, cùng với sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của chính quyền cần có sự vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân. Và hiệu quả của chương trình phải do chính những người dân - chủ thể của chương trình đánh giá.
Việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân sẽ là thước đo đánh giá hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nhân dân, nâng cao trách nhiệm của UB.MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc vận động, giám sát xây dựng nông thôn mới. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng và đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững.
Phương Loan
Tin tức khác
- Tăng cường ra quân nhắc nhở người dân vượt rào, tắm biển tại những nơi nguy hiểm
- Ngày đầu vận hành chính thức chính quyền địa phương 2 cấp: chính quyền sẵn sàng, nhân dân kỳ vọng.
- Cán bộ và nhân dân phường Hồng Gai đã tham dự trực tuyến Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã
- Khởi công công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Đất Đỏ, xã Thống Nhất
- Thường trực Thành ủy giao ban công tác tuần từ 9/6-15/6/2025