Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động vi phạm pháp luật về pháo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023

Trong thời gian qua các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Tính từ ngày 15/11/2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt, xử lý 11 vụ, 18 đối tượng vi phạm về pháo, đáng chú ý trong 18 đối tượng vi phạm về pháo có 05 đối tượng là học sinh phổ thông. Điều đó cho thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường nhất là từ nay đến Tết cổ truyền của dân tộc không còn dài. Do đó, để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng chức năng Thành phố đã chủ động, tăng cường nắm tình hình, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, xét xử nghiêm với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới pháo nổ trong dịp Tết.

Để quản lý chặt chẽ hoạt động mua, bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trên địa bàn, Lực lượng Công an thành phố đã  Thường xuyên rà soát lập danh sách cụ thể, có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với 04 nhóm đối tượng về pháo (nhóm chế tạo, sản xuất pháo trái phép; nhóm mua, bán pháo trái phép; nhóm tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép; nhóm sử dụng pháo trái phép). Thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ phương thức thủ đoạn, xác định cụ thể tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm có dấu hiệu hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép, đặc biệt là địa bàn, khu vực có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, khu vực giáp ranh với tỉnh ngoài và tuyến biển. phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Ban Chỉ huy Quân sự và các ngành chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến đường bộ, trên biển, cảng biển, đường mòn, lối mở, tuyến giao thông kết nối các địa phương giáp ranh, các bến bãi, điểm tập kết hàng hóa... để kịp thời phát hiện, bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép pháo vào địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, lợi dụng được cấp phép kinh doanh pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác và mua bán pháo hoa trái phép.

Tòa án nhân dân Thành phố xét xử nghiêm 2 đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, không để các vụ tai nạn về pháo nổ xảy ra trên địa bàn. Ngay những ngày giáp tết, Tòa án nhân dân Thành phố đã tiến hành xét xử 2 bị cáo về tội vận chuyển hàng cấm là pháo nổ theo trình tự rút gọn để đảm bảo việc xử lý diễn ra trước Tết. Tòa án nhân dân TP Hạ Long đã tuyên phạt 2 bị cáo từ 12 đến 18 tháng tù giam. Việc đưa ra xét xử nghiêm các đối tượng này đã góp phần ngăn chặn, giáo dục và tăng cường công tác phòng chống sử dụng, tàng trữ pháo nổ tại các địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết Nguyên đán./

Người dân nên chọn loại pháo nào để vui Tết Quý Mão 2023 cho đúng luật: Nghị định 137 quy định, chỉ cho phép người dân được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ. Khái niệm pháo nổ và pháo hoa được nêu rõ: pháo hoa là loại pháo chỉ phát sáng chứ không gây ra tiếng nổ.

Cụ thể, pháo hoa khi có tác động sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, ví dụ, pháo bông, pháo điện, pháo phụt… Còn pháo nổ khi có tác động sẽ gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Như vậy, dù người dân được phép đốt pháo hoa, song việc sử dụng pháo nổ hoặc pháo hoa nổ vẫn bị nghiêm cấm.

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137, người dân được phép sử dụng pháo hoa, cụ thể: cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 137 quy định, nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137).

Người dân lưu ý chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Theo quy định, khi mua pháo hoa tại cửa hàng, người dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân và được cấp bảng sao kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, các thông tin về chủng loại, số lô, địa chỉ sản xuất và hướng dẫn sử dụng được in rõ trên mỗi giàn pháo hoa, đảm bảo tính pháp lý.

Để Nhân dân đón xuân, vui tết an toàn, cùng với sự vào cuộc chủ động, tính cực của lực lượng công an. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng pháo, chung tay góp phần xây dựng xã hội bình yên, an toàn, lành mạnh./.

Hồng Hạnh

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 34852