Thả giống thủy sản kỷ niệm 64 năm ngành Thủy sản Việt Nam

Sáng 1/4, thành phố Hạ Long tổ chức chương trình thả giống thủy sản kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2023). Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân trên địa bàn.

Quang cảnh chương trình

Thành phố Hạ Long có đường bờ biển dài 50km, diện tích vùng biển khoảng  434 km2 với các chương bãi và bãi triều phù hợp nuôi các loài thủy đặc sản. Hơn nữa, Hạ Long còn có di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, ngoài các giá trị về địa chất, địa mạo còn là một ngư trường quan trọng. Đây là những tiềm năng, lợi thế tạo tiền đề để phát triển kinh tế thủy sản của thành phố.

Trải qua 64 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với cả nước, thủy sản thành phố Hạ Long đã có bước phát triển mạnh mẽ, ban đầu là nghề cá nhân dân quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, khai thác gần bờ nay đã chuyển dịch theo hướng Nghề cá hiện đại, khai thác gắn với bảo vệ, phát triển môi trường biển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Năm 2022, ngành thủy sản thành phố Hạ Long đã đạt được những kết quả tích cưc như: Sản lượng thủy sản 4.403 tấn trong đó: Sản lượng khai thác đạt 2.358 tấn; nuôi trồng đạt 2.045tấn; Giá trị sản xuất thủy sản theo giá hiện hành đạt gần 660 tỷ đồng chiếm 60% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Các sản phẩm thủy sản Hạ Long có chất lượng cao, an toàn được thị trường tín nhiệm. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thành phố tập trung chỉ đạo, quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường biển và tái tao nguồn lợi thủy sản. Nguồn lợi thuỷ sản đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, nhất là tại khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt như vùng lõi Vịnh Hạ Long. Các công nghệ hiện đại trong khai thác, nuôi trồng thuỷ sản được ngư dân trên địa bàn thành phố áp dụng, mag lại hiệu quả cao.Chuỗi liên kết, chương trình mỗi xã phường một sản phẩm toàn thành phố có 69 sản phẩm OCOP nông lâm sản và thủy sản trong đó có 10 sản phẩm OCOP về thủy sản; nuôi; Hệ thống kết cấu hạ tầng cho ngành thủy sản được quan tâm triển khai đầu tư bao gồm cả hạ tầng nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá;Đời sống ngư dân ngày càng cải thiện, nhiều người dân giàu lên từ nghề thủy sản

Đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố khẳng định: các hoạt động của ngành thủy sản đã có đóng góp tích cực phát triển kinh tế và tăng trưởng chung của thành phố

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố khẳng định: các hoạt động của ngành thủy sản đã có đóng góp tích cực phát triển kinh tế và tăng trưởng chung của thành phố cũng như của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh địa phương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh, suy thoái, ô nhiễm môi trường… Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các nghề cấm, nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hợp lý giữa các vùng biển; chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng, giảm diện tích nuôi trồng thủy sản nội địa, mở rộng diện tích nuôi trên biển; đa dạng hóa đối tượng nuôi, hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản; chế biến thương mại nghề cá; tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hậu cần nghề cá đồng bộ, hiện đại… Phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ Kế hoạch năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 4.450 tấn, giá trị tăng trưởng thủy sản ước đạt 770 tỷ đồng.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng cán bộ, nhân dân trên địa bàn đã thả khoảng 114.000 con giống thủy sản

Nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, thiết thực kỷ niệm 64 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo thành phố cùng cán bộ, nhân dân trên địa bàn đã thả khoảng 114.000 con giống thủy sản (gồm các loại: cá Hồng Mỹ, cá vược, tôm sú) tại khu vực bãi tắm Hòn Gai.

Hồng Hạnh – Văn Hiệp

 

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 11928