Xã Bằng Cả: Nỗ lực vượt khó, quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hóa

Là xã miền núi với trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, hành trình xây dựng nông thôn mới của xã Bằng Cả gặp nhiều khó khăn hơn so với các xã vùng thấp của thành phố Hạ Long. Song những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân trong xã đã đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, từng bước đưa Bằng Cả đạt xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2018 xã Bằng Cả được UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận xã nông thôn mới. Năm 2023, xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao với 3/3 thôn đều được công nhận và duy trì danh hiệu thôn văn hóa, 2/3 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Thu nhập bình đầu người ước đạt 68,1 triệu đồng/năm. Xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí nâng cao của tỉnh.

Những kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao là cơ sở, tiền đề vững chắc để cán bộ, nhân dân xã Bằng Cả tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024 với những cách làm chủ động, sáng tạo. Kết quả thu được không chỉ giúp thay đổi diện mạo của vùng quê cách mạng, mà còn trực tiếp nâng cao mọi mặt đời sống người dân – những chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Mặc dù đã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, song về cơ bản, Bằng Cả vẫn là một xã miền núi, sản xuất chủ yếu thuần nông trong khi đất đai manh mún, việc áp dụng khoa học, công nghệ số vào sản xuất còn thấp; dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển chưa đa dạng, quy mô nhỏ; việc huy động các nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới gặp khó khăn do kinh tế của người dân so với mặt bằng chung của thành phố chưa cao, trên địa bàn không có các doanh nghiệp lớn.

Nỗ lực vượt khó, hoàn thành toàn diện nông thôn mới nâng cao

Với quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, lồng ghép các chương trình, dự án và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng đang được triển khai tại địa phương, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao được triển khai những năm gần đây đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân xã Bằng Cả

Việc phát triển kinh tế nông thôn được cấp ủy, chính quyền xã xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là trong thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp toàn diện, hướng tới sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, tổ chức phát triển sản xuất theo hướng quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong quy hoạch chung đến năm 2040, xã đã quy hoạch 2 vùng trồng cây dược liệu; trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ; quy hoạch vùng trồng lúa, vùng trồng cây ăn quả, hoa màu… Đồng thời khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Các mô hình sản xuất theo hướng này bước đầu đều đem lại thu nhập cao, ổn định. Trong đó nuôi gà thương phẩm là một thế mạnh của xã với sản lượng bán ra thị trường trung bình trên 100 tấn mỗi năm; chăn nuôi trâu, bò duy trì hàng năm trên 350 con.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngành nghề nông thôn cũng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn. Do đó, xã đã khuyến khích, hỗ trợ nhân dân phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở rộng ngành nghề nông thôn như sửa chữa, cơ khí, xay xát và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực phát triển bền vững kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. 

Rượu bâu men lá - Thức uống truyền thống của người Dao Thanh Y xã Bằng Cả giờ đây được khuyến khích phát triển, trở thành sản phẩm OCOP và đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân ở địa phương

Hoạt động của các ngành thương mại, dịch vụ được khuyến khích, gia tăng về số lượng và quy mô kinh doanh. Hiện trên địa bàn đã có 12 cửa hàng tiện ích, cửa hàng tạp hóa; 1 hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng và nông nghiệp bền vững. Sản phẩm rượu bâu của xã đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được bán trên các sàn thương mại điện tử. Một số hộ dân trồng cây dược liệu, cây ăn quả, sản xuất rượu bâu truyền thống… cũng thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Theo kết quả điều tra thu nhập năm 2024, mức thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 120,7 triệu đồng, tăng 77,2% so với thời điểm cuối năm 2023 – khi xã đạt nông thôn mới nâng cao.

Cùng với nâng cao thu nhập, các tiêu chí khác trong bộ tiêu chí Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cũng được xã quan tâm thực hiện.

Trong tiêu chí Giao thông, xã có 5,42km (=100%) đường thôn đã được bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, rộng đường trung bình 5,5m; trong đó 60% đã được hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước; có vỉa hè hoặc lề đường đảm bảo an toàn giao thông.

100% tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Bằng Cả hiện đã được nhựa hóa, bê tông hóa

Hệ thống đường thôn được quản lý, sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Hàng năm UBND xã có kế hoạch duy tu, bảo trì, sửa chữa nâng cấp để đảm bảo công trình được sử dụng, phát huy hiệu quả bền vững.

9/13 tuyến đường thôn được trồng cây xanh, trồng hoa 2 bên đường. 93% đường thôn được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng đèn led tiết kiệm điện và đèn năng lượng mặt trời; hệ thống biển báo, gờ giảm tốc trên các tuyến đường thôn được bố trí, lắp đặt đúng quy định.

Nhân dân, hội viên, đoàn viên trong xã cũng thường xuyên tổ chức, thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh” dọn vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh, cây bóng mát phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu tạo cảnh quan môi trường và gắn với thực hiện Đề án “Hạ Long – Thành phố của hoa”. Kết hợp với các mô hình “Vẽ tranh tường”, “Đường cờ Tổ quốc”, “Sạch nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”… tạo cảnh quan, không gian nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp.

Hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều thực hiện phân loại rác tại nguồn, giúp giảm thiểu lượng rác thải và bảo vệ môi trường sống

Về tiêu chí Môi trường, xã đã vận động nhân dân thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn tại nguồn. Trong đó, trên 98% chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại đã được thu gom, xử lý theo quy định; chất thải nhựa được thu gom, bán phế liệu đạt khoảng 73%. Riêng lượng chất thải hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn ước khoảng trên 3,5 tấn/tháng; trong đó tỷ lệ được thu gom, xử lý và tái sử dụng đạt trên 90,3%.

Hầu hết các loại phụ phẩm nông nghiệp và rác hữu cơ được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi hoặc được thu gom, xử lý theo mô hình “Hố ủ rác hữu cơ” để tạo nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng. Mô hình được triển khai thực hiện từ năm 2023 với 3 điểm thu gom, tập kết, xử lý tập trung và được nhiều hộ dân tự thực hiện tại gia đình. Qua đó hạn chế rác thải ra môi trường, giảm lượng rác thải sinh hoạt phải thu gom và đảm bảo không có tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Nước thải sinh hoạt trên địa bàn cũng được thu gom, xử lý hiệu quả. Hiện 100% hộ gia đình trên địa bàn xã có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt bằng các biện pháp, công trình phù hợp. 44,09% hộ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt. 100% hộ gia đình có công trình nhà vệ sinh tự hoại đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia Ngày chủ nhật xanh, dọn vệ sinh và trồng hoa nơi công cộng, tạo không gian nông thôn sáng xanh sạch đẹp

Về tiêu chí Thôn nông thôn mới, toàn xã có 3 thôn. Trong đó, thôn 2 đã được UBND thành phố Hạ Long công nhận là thôn nông thôn mới năm 2022; thôn 1 được công nhận đạt thôn nông thôn mới năm 2023. Thôn 3 cũng đã được Hội đồng thẩm định của thành phố thẩm định vào ngày 3/12/2024 và sẽ được công nhận thôn nông thôn mới trong năm 2024.

Đối với mô hình Thôn thông minh, từ năm 2023 xã Bằng Cả đã chọn thôn 2 để xây dựng mô hình này. Đây là thôn trung tâm, liền kề với khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đạt tiêu chuẩn, có dịch vụ điện thoại di động mặt đất. Trên địa bàn thôn cung cấp đầy đủ dịch vụ internet; 89,25% số hộ dân đã sử dụng dịch vụ truy cập internet băng rộng cố định mặt đất (cáp quang); 100% hộ dân sử dụng dịch vụ băng rộng di động mặt đất (4G, 5G).

Toàn thôn có 214 hộ dân, tất cả đều có thành viên trong gia đình sử dụng điện thoại thông minh; trong đó có 582 người (=100%) người trong độ tuổi lao động. Do đó, thôn đã ứng dụng mạng xã hội Zalo để thuận tiện trong thực hiện một số nhiệm vụ; đồng thời tạo kênh trao đổi thông tin trực tuyến giữa người dân và chính quyền.

Trên địa bàn thôn cũng có hệ thống truyền thanh, kết nối với truyền thanh xã với 2 cụm loa truyền thanh không dây; hệ thống thu phát truyền thanh được trang bị, ứng dụng công nghệ thông tin: có máy tính kết nối internet, có sử dụng sóng di động 4G để thu phát, truyền tải thông tin từ hệ thống tập trung đến các cụm loa.

Hệ thống camera an ninh trên địa bàn thôn cũng được lắp đặt với 5 camera giám sát đặt tại các điểm trung tâm của thôn, kết nối với hệ thống camera quản lý an ninh của xã; đồng thời kết hợp cùng camera của một số hộ dân trên địa bàn thôn, hình thành mạng lưới camera an ninh, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hóa

Thực hiện tiêu chí quy định xã nông thôn mới theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất mang giá trị đặc trưng của địa phương, xã Bằng Cả đã chọn lĩnh vực nổi trội về văn hóa. Bởi trên địa bàn xã có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y như: Hội làng truyền thống vào ngày 1/2 âm lịch hàng năm; lễ cấp sắc; thêu may trang phục dân tộc; vốn y học dân gian; nghệ thuật ẩm thực; dân ca, dân vũ…

Hội làng Bằng Cả và các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y được cán bộ, nhân dân trên địa bàn bảo tồn, phát huy, tạo nên nét đặc sắc riêng có cho địa phương

Xã có 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian Việt Nam”, trong đó có 2 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú Việt Nam”. Các nghệ nhân luôn truyền dạy các phong tục tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp, dạy thêu may họa tiết trang phục truyền thống, dạy chữ Nôm Dao, các làn điệu dân ca, dân vũ… Qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian phi vật thể của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y.

Ngoài những giá trị văn hóa phi vật thể trên, xã có Di tích cấp tỉnh “Khu căn cứ kháng chiến chống Pháp Bằng Cả”. Khu di tích đã được quy hoạch với tổng diện tích 10,01ha, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; và hiện đang được lập quy hoạch chi tiết tu bổ, tôn tạo, phục hồi.

Trên địa bàn xã còn có Khu bảo tồn bản văn hóa người Dao Thanh Y, là dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch làm chủ đầu tư, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống, văn hóa quý báu của đồng bào Dao Thanh Y. Đây cũng được sử dụng làm trung tâm văn hóa – thể thao của xã, cùng với các khu thể thao thôn đạt chuẩn, được trang sắm, lắp đặt các thiết bị đảm bảo các hoạt động động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của xã và cơ bản phục vụ nhu cầu tập luyện của 4 câu lạc bộ văn hóa, thể thao cấp xã và 9 câu lạc bộ tại 3 thôn. Năm 2024, có 42,32% số gia đình, 41,12% số người trên địa bàn xã thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao.

Thư viện cộng đồng là nơi người dân tập trung tìm hiểu, trao đổi nhiều kiến thức về đời sống xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc

Ngôi nhà cổ 7 gian trong Khu bảo tồn được sử dụng để làm Thư viện cộng đồng của xã; trong đó sắp xếp hơn 1.300 bản sách các loại và trưng bày 1 số vật dụng truyền thống. Cùng với hệ thống phòng thư viện tại các trường học và Tủ sách pháp luật đặt tại Nhà văn hóa các thôn, Thư viện cộng đồng của xã đã kịp thời phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức của người dân trên địa bàn.

Hàng năm, xã đều phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho người dân thông qua nhiều hình thức. Riêng năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng này đạt 73,44% dân số. Qua đó, giúp các cá nhân, cộng đồng có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, nâng cao chất lượng môi trường sống, hướng tới phát triển du lịch. 100% việc cưới, việc tang trên địa bàn đã được thực hiện theo hướng đổi mới, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương. 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn được công nhận là cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95,74%.

Theo tự đánh giá của xã, hết năm 2024 Bằng Cả đã hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về văn hóa.

Phương Loan

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 3218

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẠ LONG

CƠ QUAN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: UBND Thành phố Hạ Long

Số Giấy phép: 100/GP-STTT ngày 09/08/2024
Quản lý nội dung các cổng thành phần: Thủ trưởng các đơn vị, địa phương
Địa chỉ: Số 2 phố Bến Đoan, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.825.408     -      Fax: 0203.361.1792;

Email: ubndhl@quangninh.gov.vn

 

CƠ QUAN QUẢN LÝ: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố Hạ Long

Địa chỉ: Số 369, đường Trần Quốc Nghiễn, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.611.791

Email: ttttvvh.hl@quangninh.gov.vn ..