Xây dựng Hạ Long - Thành phố của Lễ hội

Với mục tiêu xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, Thành phố đang có những bước đi bài bản trong công tác lập quy hoạch, tập trung xây dựng các đề án nhận diện thương hiệu của mình, là thành phố của Lễ hội, là điểm đến hàng đầu trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Hoàng tráng, độc đáo, mới lạ, quá tuyệt vời và cả tự hào, yêu thương là những cảm xúc không chỉ của người dân sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Hạ Long năng động và xinh đẹp này mà chương trình đã thực sự chạm đến trái tim của đông đảo du khách cả trong nước và trên thế giới.

Qua 17 kỳ tổ chức, với sự đổi mới cả về quy mô, nội dung lẫn cách thức tổ chức, Carnaval Hạ Long năm nay với chủ đề “Bừng sáng cùng Kỳ quan” như một bữa tiệc văn hóa nghệ thuật đặc sắc làm đánh thức mọi giác quan của khán giả, chương trình đã tạo nên một bức tranh hoàn hảo, choáng ngợp của các loại hình nghệ thuật cùng những công nghệ biểu diễn hiện đại nhất thế giới đem đến sự bùng nổ, gây ấn tượng xa rộng tới người dân và bạn bè trong nước, quốc tế.

Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2024

Làm mới lễ hội Carnaval Hạ Long từ nội dung, hình thức đến không gian tổ chức là cách để TP Hạ Long khẳng định khát vọng đổi mới, tăng sức hấp hẫn cho thành phố Di sản, phấn đấu đưa Carnaval Hạ Long trở thành sản phẩm định vị thương hiệu du lịch quốc gia trong thời gian tới.

Cùng với thành công của Carnaval Hạ Long 2024, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, TP Hạ Long tiếp tục để lại ấn tượng cho hàng nghìn du khách khi lần đầu tiên tổ chức lễ hội bia và chả mực với mong muốn thể hiện sự hiếu khách của địa phương, đồng thời cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hải sản của Hạ Long, trong đó có chả mực, đến du khách trong nước và quốc tế. Tại lễ hội, chiếc chả mực nặng 200kg đã được xác lập kỷ lục Việt Nam, tạo thêm niềm hứng khởi cho người dân và du khách.

Với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo gồm 96 di tích, trong đó, nổi bật nhất là vịnh Hạ Long được Unesco 3 lần ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy ban hành ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, TP Hạ Long đã triển khai xây dựng Đề án “Hạ Long – Thành phố của Lễ hội”. Theo đó, đến năm 2025, thành phố sẽ phục dựng lại lễ mừng cơm mới của người Tày tại xã Dân Chủ; Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu; nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống, gồm lễ hội làng Bằng Cả, lễ hội Đền vua Lê Thái Tổ; xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể đối với lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội Đền Vua Lê Thái Tổ; tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới (Lễ hội hoa tại thiên đường hoa Quảng La; lễ hội mùa ổi chín; lễ hội đua thuyền rồng Hạ Long; lễ hội trình diễn, ánh sáng nghệ thuật bên bờ Vịnh Di sản…).

Các lễ hội, sự kiện được TP chú trọng làm mới và nâng cấp, trở thành sản phẩm có giá trị gia tăng về mặt kinh tế đồng thời xây dựng các đề án nhận diện thương hiệu của mình, là thành phố của Lễ hội

Quyết tâm xây dựng thành phố của Hoa và Lễ hội, ngay sau khi có Đề án, thành phố đã xây dựng các kế hoạch triển khai với lộ trình, thời gian cụ thể cho từng sự kiện, lễ hội ở cả quy mô cấp tỉnh và cấp thành phố và yêu cầu sự vào cuộc tích cực, chủ động, khẩn trương của các phòng đơn vị chuyên môn và UBND các xã phường trên địa bàn. Trong đó trước mắt, thành phố tập trung hoàn thiện phố đi bộ Hàn Quốc (khu di lịch Bãi Cháy), xây dựng phương án đưa khu vực ngọn Hải Đăng thành tổ hợp vui chơi, giải trí và địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ ít nhất mỗi tháng một lần. Thành phố đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, nghiên cứu để trồng cây hoa Anh đào Nhật Bản với số lượng lớn tại một số khu vực thuộc xã vùng cao Kỳ Thượng, và hiện đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tháng 5 năm 2025, lần đầu tiên lễ hội hoa Anh Đào được tổ chức và trở thành sự kiện thường niên trên địa bàn; duy trì Thiên đường hoa Quảng La, chợ hoa Đồng Chè (phường Hoành Bồ), dự án quảng trường, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật kết nối khu văn hóa núi Bài Thơ, dự án mở rộng, tu bổ và tôn tạo đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bài Thơ; hoàn thiện việc quản lý quy hoạch các điểm di tích, các dự án, công trình liên quan đến cải tạo di tích, thắt chặt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xung quanh lễ hội, đền, chùa.

Việc tổ chức, nâng cấp các lễ hội, sự kiện không chỉ phù hợp với xu thế tất yếu hiện nay, nhằm phát huy các di sản văn hoá, các lễ hội truyền thống trở thành sản phẩm có giá trị gia tăng về mặt kinh tế mà thông qua triển khai Đề án sẽ giúp mỗi người dân Hạ Long cảm thấy tự hào hơn về truyền thống văn hoá, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, cùng chung tay giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần; phục vụ đời sống kinh tế, xã hội của người dân, nâng cao vai trò vị thế đầu tàu của Hạ Long trong sự phát triển của tỉnh.

                                                                   Linh Hương

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 18771

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẠ LONG

CƠ QUAN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: UBND Thành phố Hạ Long

Số Giấy phép: 100/GP-STTT ngày 09/08/2024
Quản lý nội dung các cổng thành phần: Thủ trưởng các đơn vị, địa phương
Địa chỉ: Số 2 phố Bến Đoan, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.825.408     -      Fax: 0203.361.1792;

Email: ubndhl@quangninh.gov.vn

 

CƠ QUAN QUẢN LÝ: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố Hạ Long

Địa chỉ: Số 369, đường Trần Quốc Nghiễn, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.611.791

Email: ttttvvh.hl@quangninh.gov.vn ..