Xây dựng, phát triển văn hoá Hạ Long đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, Thành phố Hạ Long đã dành nhiều nguồn lực quan trọng đầu tư, xây dựng và phát triển văn hóa toàn diện, góp phần hình thành nên sắc thái văn hóa đa dạng, phong phú, sinh động tạo nét văn hóa con người của thành phố Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Thành phố Hạ Long

 Thành phố Hạ Long là trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa - giáo dục - thể dục thể thao - thương mại - dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Ninh; có tốc độ đô thị hóa nhanh; hạ tầng kinh tế - xã hội đã được quan tâm đầu tư, từng bước hiện đại, đồng bộ; có điều kiện thuận lợi để phát triển thành một trung tâm du lịch, đầu mối về công nghiệp, thương mại và giao thông vận tải dọc hành lang kinh tế ASEAN - Việt Nam - Trung Quốc. Cùng với Vịnh Hạ Long là một tài nguyên du lịch đặc sắc có nhiều giá trị nổi trội mang tầm quốc tế, Thành phố còn có 07 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt; 14 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 74 di tích được kiểm kê, phân loại và các lễ hội, văn hóa truyền thống; cùng với nhiều khu, điểm tham quan, du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả nhất định. Một số di tích có giá trị tiêu biểu trên địa bàn Thành phố đã và đang được quan tâm đầu tư, tôn tạo như: Công trình Khu Văn hóa núi Bài Thơ; các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích: chùa Quýt, chùa Yên Mỹ; chùa Trới, đình Trới, Đền Mẫu Cột 5, khu di tích lịch sử Cây Quéo Bến Phà và khu lưu niệm sự kiện thành lập Binh đoàn than, di tích bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông, Trận địa pháo 37 ly, chùa Tiêu Dao...

Người dân đi lễ chùa Long Tiên (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long)

Nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, hàng năm Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND các xã, phường tích cực sưu tầm, thống kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố Hạ Long đã kiểm kê được 83 di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở 33 xã, phường. Trong đó, có một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như Hội làng Bằng Cả của người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả.

Hiện trên địa bàn Thành phố đã có 08 Nghệ nhân dân gian được phong tặng (trong đó có 04 Nghệ nhân ưu tú), là người dân tộc Dao đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận danh hiệu về các lĩnh vực như: Thêu may, hát giao duyên, truyền dạy ngôn ngữ dân tộc và các tục trình diễn. Hiện nay UBND Thành phố đang báo cáo Hội đồng cấp Tỉnh xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đối với 03 cá nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Những nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể chính là những chủ thể đang nắm giữ các kỹ năng và có khả năng truyền dạy nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể to lớn.

Việc xây dựng môi trường văn hóa luôn được quan tâm và coi trọng, đổi mới theo hướng bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị; chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; nhất là tập trung nắm vững tình hình, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, nhất là trong công tác dân vận; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, cán bộ công chức, viên chức; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền. Xây dựng môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, trong cộng đồng thôn, khu, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình... gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; thực hiện các Quy định về xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa trong cộng đồng dân cư và trong cơ quan đơn vị; Tổ chức thực hiện Đề án "Văn hóa công vụ"; thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử "Nụ cười Hạ Long", triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long...

Qua việc triển khai các Đề án, Nghị quyết về văn hoá con người Hạ Long, Thành phố đã tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường như: Mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật các kiến thức mới, đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức, viên chức; các nội dung nâng cao nhận thức về du lịch, kiến thức nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ, bảo vệ môi trường, văn hóa ứng xử…cho cộng đồng dân cư và người lao động trên địa bàn...

Carnaval, một trong những sản phẩm văn hóa du lịch của Hạ Long

Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa con người Hạ Long tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có,  thành phố đang xây dựng dự thảo Đề án phát triển du lịch thành phố Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung các nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng, ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn hóa người Hạ Long (hoàn thành trong năm 2022), quy định rõ các quy tắc ứng xử của người kinh doanh du lịch, dịch vụ; người dân, du khách trong bảo vệ môi trường kinh doanh du lịch. Cùng với đó hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và từng bước hình thành các sản phẩm du lịch mới: Du lịch thông qua các sự kiện âm nhạc; đưa bộ môn thể thao thuyền buồm trên vịnh Hạ Long vào hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh, mảnh đất con người Hạ Long, Quảng Ninh ra thế giới; thu hút các cuộc thi thuyền buồm quốc tế lựa chọn tổ chức trên vịnh Hạ Long. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về di sản, di tích; có kế hoạch bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội truyền thống; khôi phục lại các phong tục tập quán, trang phục truyền thống, kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số dân tộc Dao, Thanh Y, người Tày, người Sán Dìu...

Việc chính quyền các cấp tiếp tục đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa, tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế sẽ là đòn bẩy hữu hiệu để Hạ Long “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Đỗ Lan Hương

Thời tiết

Thống kê truy cập
Đang online 41992

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ HẠ LONG

CƠ QUAN ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: UBND Thành phố Hạ Long

Số Giấy phép: 100/GP-STTT ngày 09/08/2024
Quản lý nội dung các cổng thành phần: Thủ trưởng các đơn vị, địa phương
Địa chỉ: Số 2 phố Bến Đoan, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.825.408     -      Fax: 0203.361.1792;

Email: ubndhl@quangninh.gov.vn

 

CƠ QUAN QUẢN LÝ: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Thành phố Hạ Long

Địa chỉ: Số 369, đường Trần Quốc Nghiễn, Phường Hồng Gai, Thành phố Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.611.791

Email: ttttvvh.hl@quangninh.gov.vn ..